Người thợ xử lý cầu ong, chuẩn bị đưa vào máy quay ly tâm để ép mật ong. |
Bên cạnh hương thơm, vị ngọt thanh, không gắt, không khé cổ cũng là một trong những điểm đặc biệt của mật ong vải, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Huyện Thanh Hà hiện có khoảng 30 cơ sở nuôi ong lấy mật quy mô lớn. Ngoài mật ong hoa vải, các cơ sở này còn khai thác sản phẩm mật ong từ nhiều loại hoa khác nhau, với sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn/năm. Trong đó, mật ong từ hoa vải chiếm tới 1/3 sản phẩm khai thác được.
Bà Lê Thị Quyên, chủ cơ sở nuôi ong Điệp Quyên mang thương hiệu Giọt Vàng ở Thanh Hà chia sẻ, bản thân đã bắt đầu nghề nuôi ong lấy mật từ năm 1995 và gắn bó gần 30 năm với nghề.
Ngoài nuôi ong lấy mật hoa vải, mỗi mùa hoa, cơ sở Điệp Quyên lại di chuyển đàn ong tới mọi miền đất nước để lấy mật. Nhưng mật ong vải vẫn là tâm huyết nhất của cơ sở này vì là đặc sản quê hương. Để duy trì hoạt động, cơ sở có khoảng 5 - 6 nhân công lao động theo năm và khoảng 15 - 20 lao động làm theo thời vụ.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, mô hình nuôi ong lấy mật hoa vải là hoạt động khai thác đa giá trị cây vải thiều. Đặc trưng loài ong phải lấy mật từ những vùng trồng không có thuốc bảo vệ thực vật, còn nếu lấy mật từ vùng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thì ong chưa kịp về đến tổ đã chết.
Do đó, mô hình trên vừa sản xuất được mật ong sạch, chất lượng, tăng thêm thu nhập cho người nông dân vừa khuyến khích duy trì và phát triển các vùng trồng hữu cơ. Địa phương cũng đặt mục tiêu đồng hành cùng nông dân xây dựng các vùng trồng hữu cơ, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo nên chuỗi giá trị bền vững.
Bà Lương Thị Kiểm cho biết: “Tỉnh Hải Dương hiện nay đang định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp khai thác đa giá trị từ thu sản phẩm trồng trọt và khai thác các sản phẩm khác từ chính cây trồng đó. Ví dụ vải Thanh Hà khai thác mật ong, còn ở Tứ Kỳ có lúa hữu cơ khai thác con rươi hữu cơ, cáy hữu cơ...”.
Một cơ sở kinh doanh mật ong hoa vải tại Thanh Hà. |
Bà Trần Thu Hà, chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng, Sở NN&PTNT Hải Dương, cho biết, nghề nuôi ong lấy mật ở Thanh Hà và Chí Linh mang tính chất nhỏ lẻ, nhưng cũng có sự giám sát của các đơn vị kết nối là Công ty Việt Ý và cơ sở nuôi ong Điệp Quyên.
Cơ quan quản lý kiểm soát phương thức nuôi ong và khai thác mật đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm soát từ vùng trồng đến quá trình khai thác, thu mua. Ngoài ra cũng có những đơn vị trong tỉnh chế biến sản phẩm liên quan đến mật ong như làm mật ong ngâm tỏi đen.
Sản lượng trung bình thu được từ nguồn mật ong vải thiều của Hải Dương hiện đạt khoảng 20 kg mật/đàn, tương đương với 20 - 30 tấn/hộ/vụ. Tổng sản lượng mật ong hoa vải của tỉnh khoảng 1.200 - 1.300 tấn/vụ.
Nhưng hiện nay do công tác quảng bá thương hiệu mới đang bắt đầu nên giá mật ong vải thiều vẫn đang được bán chưa cao. Giá mật ong quay tại vườn là khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, giá thành phẩm hoàn chỉnh, có bao bì, tem nhãn vào khoảng 70.000 - 85.000 đồng/kg.
Tỉnh Hải Dương đang có khoảng 150 - 180 hộ nuôi và khai thác mật quy mô trung bình đến lớn với 300 - 1.000 đàn ong/hộ. Trong đó, có 10 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mật ong vải chủ yếu tiêu thụ qua các đơn vị thu mua sử dụng nguồn hàng để xuất khẩu (Công ty CP ong mật Đăk Lăk; Công ty CP ong mật Hương rừng Đồng Nai…). Một số ít được được bán lẻ trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để có thể đẩy mạnh hơn nữa tiêu thụ và nâng cao giá trị mật ong vải, các cơ sở nuôi ong trong tỉnh đều mong được hỗ trợ về truyền thông để giới thiệu được sản phẩm mật ong hoa vải Thanh Hà tới đông đảo hơn người dân trên toàn quốc cũng như quốc tế. Đồng thời bài trừ được các sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu mật ong hoa vải Thanh Hà.