Hải Dương: Tưởng niệm 653 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An

Hải Dương: Tưởng niệm 653 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An

Chí Linh Hải Dương
14:25 - 05/01/2024
Tham dự lễ dâng hương tưởng niệm 653 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An có lãnh đạo thành phố Chí Linh; lãnh đạo các phòng, ban, ngành của thành phố cùng đông đảo nhân dân, các em học sinh, sinh viên trong vùng và du khách thập phương.

Sáng 5/1/2024 (tức 24/11/2023 âm lịch), tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ thành phố Chí Linh long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 653 năm ngày mất của Vạn thế sư biểu, Danh nhân Chu Văn An (26/11/1370 - 26/11/2023).

Lãnh đạo thành phố Chí Linh và các đại biểu dâng hương tưởng niệm 653 năm ngày mất của Vạn thế sư biểu, Danh nhân Chu Văn An.

Lãnh đạo thành phố Chí Linh và các đại biểu dâng hương tưởng niệm 653 năm ngày mất của Vạn thế sư biểu, Danh nhân Chu Văn An.

Danh nhân Chu Văn An tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triết, sinh năm 1292 tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở ba không gian gồm Thanh Trì, Thăng Long (Hà Nội) và Chí Linh (Hải Dương).

Thuở nhỏ ông thông minh, học giỏi, lớn lên đi thi và đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch (Hà Nội), học trò theo học rất đông. Biết tiếng ông, vua Trần Minh Tông mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và con các quan lại...

Đại diện các nhà trường và các em học sinh, sinh viên về dự lễ dâng hương tại đền thờ thầy Chu Văn An.

Đại diện các nhà trường và các em học sinh, sinh viên về dự lễ dâng hương tại đền thờ thầy Chu Văn An.

Tuy nhiên, đến thời vua Trần Dụ Tông triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính… Sau nhiều lần khuyên can không được, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên nịnh thần gây tổn hại quốc gia. Nhưng việc khuyên vua không thành, ông xin từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng và tiếp tục dạy học, viết sách, làm thơ, tìm thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Nhân dân và du khách thập phương dâng hương tại đền thờ thầy Chu Văn An.

Nhân dân và du khách thập phương dâng hương tại đền thờ thầy Chu Văn An.

Năm 1370, ông mất tại núi Phượng Hoàng. Khi ông qua đời, đền thờ ông được lập ngay trên nhà ở ẩn có tên Phượng Sơn linh từ, nay là đền thờ Chu Văn An (còn gọi là đền Phượng Hoàng). Ông là một trong số ít bậc hiền nho được thờ phụng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tên ông còn được đặt cho nhiều đường phố, trường học trên khắp cả nước…

Ảnh tác giả

Vạn thế sư biểu, Danh nhân Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo; học phải đi đôi với thực hành, tự suy nghĩ, khơi dậy, phát hiện chân lý cũng như khả năng ẩn giấu trong từng con người; học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.

Tư tưởng giáo dục của ông là đề cao sự công bằng, bình đẳng, coi trọng giáo dục con người và văn hóa. Tư tưởng đó, không chỉ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt, mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.

Em Bùi Nhật Minh, một học sinh cấp 3 ở thành phố Hà Nội cho biết, 2 năm nay em đều theo đoàn của trường về đền thờ thầy giáo Chu Văn An dâng hương tưởng nhớ thầy, đồng thời xin chữ từ các cụ đồ tại đền thờ với mong muốn học hành, thi cử ngày một tiến bộ.

Hàng năm, lễ hội đền Chu Văn An thường diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng (âm lịch) với tên gọi “Lễ khai bút đầu năm” và “Lễ hội về nguồn” diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày mất của thầy Chu Văn An (ngày 26/11 âm lịch).

Cũng trong các dịp này, nhân dân và du khách thập phương tìm về để được thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh, thưởng thức cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử cội nguồn dân tộc…

Đọc tiếp