Hải Phát, Hưng Thịnh Land và loạt doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn

Hải Phát Invest Sơn Kim Land
06:10 - 17/02/2023
Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng do CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương đầu tư.
Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng do CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hàng loạt công ty đã chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn trong 2 tháng đầu năm 2023.

Mới đây nhất, ngày 15/2, CTCP Long Thành Riverside công bố kết quả mua lại toàn bộ lô trái phiếu trị giá 55 tỷ đồng, mới phát hành ngày 24/5/2022, ngày đáo hạn là 29/12/2026.

Long Thành Riverside thành lập năm 2011, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Hiện, vốn điều lệ công ty là 420 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thu Thuỷ là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.

Trên thị trường bất động sản, Long Thành Riverside được biết đến là chủ đầu tư của Khu đô thị sinh thái đa chức năng 43 ha tại huyện Long Thành, Đồng Nai.

CTCP Hưng Thịnh Land mua lại 94,5 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 7/2. Đây là một phần trong lô trái phiếu 500 tỷ đồng phát hành 18/8/2021, đáo hạn vào 18/8/2023. Giá trị còn lại của lô trái phiếu là 405,4 tỷ đồng.

CTCP Cá tầm Việt Nam mua lại 232 tỷ đồng trái phiếu vào 10/2. Đây là một phần trong lô trái phiếu trị giá 1.477 tỷ đồng phát hành ngày 10/2/2022, đáo hạn ngày 10/2/2024.

CTCP Cá tầm Việt Nam được thành lập vào năm 2009, là một thành viên trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của ông Lê Anh Đức, đại gia sinh năm 1978 nổi tiếng với biệt danh “Đức Cá tầm”.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là nuôi trồng thủy sản, có sản phẩm chính nổi bật là trứng cá đen dưới thương hiệu Caviar de Duc. Giữa tháng 7/2021, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ lên 410 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngay sau thời điểm huy động lô trái phiếu trên, Công ty Cá tầm Việt Nam đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh. Ngoài nuôi cá tầm, hệ sinh thái của ông Đức còn bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.

Vào ngày 6/2 vừa qua, CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) hoàn thành mua lại 62,5 tỷ đồng trong số 385 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu HPXH2124001. Lô trái phiếu này có thời hạn 36 tháng, được phát hành vào ngày 5/5/2021 với tổng mệnh giá 650 tỷ đồng, là trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.

Lô HPXH2124001 được phát hành nhằm tài trợ chi phí tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng phần thấp tầng của dự án đầu tư xây dựng nhà ở số 1 thuộc Khu đi bộ phía Nam thành phố Bắc Giang mà Hải Phát làm chủ đầu tư.

Trước đó, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 6/1/2023, Hải Phát đã tiến hành mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô HPXH2123006.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Nguồn: VBMA

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Nguồn: VBMA

Công ty TNHH Điện mặt trời Trường Lộc – Bình Thuận ngày 6/2 thực hiện mua lại 226,5 tỷ đồng trong lô trái phiếu trị giá 860 tỷ đồng phát hành ngày 23/12/2020, đáo hạn ngày 23/12/2035. Trước đó, công ty đã mua lại 20 tỷ đồng của lô trái phiếu này nên giá trị còn lại là 613,5 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng khối tài sản được định giá 1.153 tỷ đồng. Danh sách trái chủ không được công bố, còn tổ chức thu xếp cho đợt phát hành này gồm CTCP Chứng khoán Sài Gòn –Hà Nội (SHS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Trong tháng đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 29/9/2022 và đáo hạn ngày 29/9/2025.

CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim là công ty con của CTCP Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land, nắm 99,98% vốn). 500 tỷ đồng huy động được từ trái phiếu dùng để mua tòa nhà văn phòng có tên gọi The METT (The Metropole Thủ Thiêm), tại địa chỉ lô 1-13 thuộc dự án khu phức hợp Sóng Việt, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM với tổng diện tích trên 3,8 ha. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý 2/2023.

CTCP Tập đoàn Kido (mã KDC) ngày 4/1 mua lại 250 tỷ đồng trong lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng phát hành ngày 4/1/2021, đáo hạn ngày 4/1/2026.

Lô trái phiếu này được một ngân hàng thương mại trong nước mua trọn. Kido có cam kết mua lại trái phiếu trước thời hạn, bắt đầu sau 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương mua lại toàn bộ lô trái phiếu trị giá 1.499 tỷ đồng vào ngày 18/1. Ngày phát hành 31/12/2021 và ngày đáo hạn là 31/12/2023.

Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương chính là chủ đầu tư dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng). Để triển khai dự án, Vạn Hương đã phát hành một lượng lớn trái phiếu để huy động vốn.

Cụ thể, theo dữ liệu từ HNX, trong 2 năm 2021-2022, Vạn Hương đã huy động thành công 6 lô trái phiếu với giá trị lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu mua lại trên có kỳ hạn đáo hạn gần nhất, còn lại là đáo hạn vào 2024 và 2026.

Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn giá trị đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay còn có Chứng khoán Kỹ thương (hơn 600 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (175 tỷ đồng), Công ty cổ phần xây dựng và quản lý dự án số 1 (300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (gần 370 tỷ đồng), CTCP Phát triển Golf Thiên Đường (244 tỷ đồng), Xây dựng Hoà Bình (250 tỷ đồng), CTCP Du lịch Thung lũng Nữ hoàng (144 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (225 tỷ đồng)...

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 1/2023 không có đợt phát hành trái phiếu nào. Ngược lại, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Áp lực đáo hạn lớn rơi vào quý 2 và quý 3. Việc các doanh nghiệp chủ động mua trái trái phiếu trước hạn sẽ giúp làm giảm bớt áp lực này.

Tin liên quan

Đọc tiếp