Các sĩ quan cảnh sát tuần tra khi thủy triều lên cao tại bãi biển Juhu trên Biển Ả Rập ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 13/6/2023. Ảnh: AP |
Tính tới sáng 13/6, Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan cho biết cơn bão cách thành phố Karachi, thủ phủ của tỉnh Sindh 470 km về phía nam. Trong khi đó theo AP trích dẫn Cục Khí tượng Ấn Độ, Biparjoy hiện đang có sức gió duy trì tối đa 180 km/h và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền gần cảng Jakhau ở quận Kutch của bang Gujarat.
Bão Biparjoy được cho là sẽ đổ bộ vào các khu vực đông dân của 2 quốc gia này ngày 15/6. Nó có khả năng là cơn bão mạnh nhất tấn công miền tây Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 2021, sau trận lũ lụt tàn khốc đã tàn phá Pakistan vào năm 2022 khiến 1.739 người thiệt mạng và gây thiệt hại 30 tỷ USD.
Để chuẩn bị cho cơn bão, hàng nghìn người dân Ấn Độ đã được sơ tán khỏi các vùng trũng thấp, bao gồm cả những cư dân sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển của bang Gujarat. Các quan chức nước này cho biết những người trong phạm vi 10 km tính từ bờ biển cũng có thể phải di dời ra ngoài trong khoảng thời gian 2 ngày tới nếu được yêu cầu.
Cụ thể, theo ông C. C. Patel, giám đốc cứu trợ của chính quyền bang Gujarat, 20.580 người từ các huyện ven biển của địa phương này đã được chuyển “đến các trại cứu trợ, nơi họ sẽ được cung cấp thức ăn, nước uống” và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, các nhà chức trách còn cấm các cuộc tụ tập dọc theo các bãi biển và bờ biển trong cơn bão. Tất cả các cảng, bao gồm hai cảng lớn nhất của Ấn Độ, Mundra và Kandla, đều đã được đóng cửa để đề phòng.
Tối ngày 12/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên Twitter cho biết ông đã chủ trì một cuộc họp để xem xét sự chuẩn bị trước cơn bão. Theo AP trích dẫn ông, “các đội cứu hộ của chúng tôi đang đảm bảo sơ tán an toàn khỏi các khu vực dễ bị tổn thương và đảm bảo duy trì các dịch vụ thiết yếu. Tôi cầu nguyện cho sự an toàn và hạnh phúc của mọi người”.
Pakistan đã sơ tán 22.000 người ngày 13/6 và sẽ tiếp tục sơ tán 58.000 người trong 2 ngày tới. Ảnh: AP |
Ở một diễn biến khác tại Pakistan, Bộ trưởng Thông tin của tỉnh Sindh Sharjeel Memon cho biết chính quyền địa phương dưới sự hỗ trợ của quân đội đã sơ tán 22.000 người khỏi các thị trấn ven biển. Còn lại 58.000 người trong tổng số 80.000 người dự kiến sẽ được di chuyển trước khi cơn bão đổ bộ vào ngày 15/6.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 13/6, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Pakistan Sherry Rehman, cho biết cơn bão dự kiến sẽ tấn công một số quận nơi lũ lụt mùa hè năm ngoái đã giết chết hàng ngàn người. Theo đó, bà khẳng định chính phủ sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo việc sơ tán nhanh chóng người dân khỏi các khu vực ven biển và đồng thời cam kết sẽ đưa họ trở về nhà khi tình hình được cải thiện.
Biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của các cơn bão. AP trích dẫn ông Raghu Murtugudde, nhà khoa học hệ thống trái đất tại Đại học Maryland, cho biết Biển Ả Rập đã ấm lên gần 1,2 độ C kể từ tháng 3 năm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn bão nghiêm trọng. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy tần suất, thời gian và cường độ của các cơn bão ở Biển Ả Rập cũng tăng lên đáng kể từ năm 1982 đến 2019.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng dẫn tới sự gia tăng các cơn bão ở khu vực Biển Ả Rập, các chuyên gia nhận định việc chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên ngày càng trở nên cấp bách hơn. Điều này càng trọng yếu khi Pakistan nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu dù đóng góp của quốc gia này vào phát thải khí nhà kính toàn cầu chỉ ở mức dưới 1%.