Một khoảng rừng tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Ủy ban châu Âu (EC) đầu tháng 10 vừa qua đã đưa ra đề xuất lùi thời hạn áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm một năm, trong bối cảnh nhiều quốc gia liên quan bày tỏ lo ngại về sự sẵn sàng đáp ứng của các doanh nghiệp.
Trao đổi với Mekong ASEAN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài cho biết, EUDR được thông qua vào giữa năm 2023, tuy nhiên nếu được thực thi từ 1/1/2025 (đối với doanh nghiệp lớn) thì thời gian còn lại quá ngắn. Do đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Đức, Mỹ đã đề nghị gia hạn thời gian thực thi EUDR.
Trong số 7 nhóm hàng liên quan đến quy định EUDR, Việt Nam có 3 nhóm hàng chịu tác động chính là cao su, cà phê và gỗ. Chính vì vậy, ngay từ khi EUDR được thông qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của quy định này.
Về phía hiệp hội, Viforest đã thành lập nhóm công tác đặc nhiệm với hoạt động đi đến các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình và có thông tin phản hồi với Bộ NN&PTNT, từ đó góp phần vào việc xây dựng khung hướng dẫn các doanh nghiệp thực thi EUDR.
“Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2024 tới nay, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cấp Bộ, cấp hiệp hội, cấp doanh nghiệp để có thể chuẩn bị sẵn sàng thực thi EUDR trước thềm quy định này có hiệu lực,” ông Ngô Sỹ Hoài thông tin.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, EUDR sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam: “Nếu chúng ta thực thi tốt sẽ phát đi được thông điệp: Việt Nam kiên quyết kinh doanh lâm nghiệp, kinh doanh gỗ mà không gây mất rừng, suy thoái rừng".
Với đề xuất lùi thời gian áp dụng EUDR từ phía EC, Tổng thư ký Viforest cho rằng đây là tín hiệu tích cực. Nếu đề xuất được thông qua, Việt Nam sẽ có thêm thời gian chuẩn bị, từ cấp hoạch định chính sách cho đến cấp thực thi doanh nghiệp, hiệp hội có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ, cà phê và cao su đều tương đối phức tạp, nhiều yêu cầu trong việc tuyên bố về trách nhiệm thực thi, giải trình cũng như khai báo, cung cấp bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý của lô rừng, khoảng rừng cung ứng vào thị trường EU còn mới. Sự mới mẻ này không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả các hộ nông dân trồng rừng.
Do đó, ông Hoài cho rằng, còn cần thêm thời gian và có hướng dẫn từ phía Việt Nam - EU, có các lớp tập huấn để các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể nắm bắt và có cùng một cách hiểu về việc thực hiện giải trình vấn đề mới đặt ra là khai báo tọa độ địa lý. Việc EC đề xuất hoãn thi hành EUDR sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tập huấn này diễn ra hiệu quả hơn.
Tổng thư ký Viforest cũng nhấn mạnh, cho đến hiện tại nhiều doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đã chứng minh được năng lực thích ứng, đáp ứng các quy định của EUDR. Các doanh nghiệp này đã đàm phán với đối tác nhập khẩu từ phía EU, các bên nhận thấy rằng có thể ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm gỗ vào EU từ đầu năm tới.
Quy định chống phá rừng - EUDR là gì?
Ngày 23/6/2023, EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) và có hiệu lực chính thức vào ngày 29/6/2023. Theo quy định EUDR sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây ra tình trạng mất rừng.
Các doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có 24 tháng để chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu của EUDR tính từ thời điểm quy định này có hiệu lực. Như vậy, EUDR sẽ có hiệu lực với doanh nghiệp lớn từ 1/1/2025 và doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 30/6/2025.
Mục tiêu của EUDR nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng.
Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…
Để chứng minh, doanh nghiệp đưa sản phẩm vào lưu thông tại EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung. Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ...
Tuy nhiên, đến ngày 2/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm một năm so với dự kiến. Lý do được đưa ra trong thông báo là EC nhận thấy 3 tháng trước thời gian thực thi, một số đối tác toàn cầu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc sẵn sàng đáp ứng quy định của các doanh nghiệp. Thông báo này cũng nêu rõ, các lo ngại này cũng đã được đưa ra trong tuần lễ Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Ngoài ra, thông báo cho biết về mức độ sẵn sàng của các bên liên quan ở châu Âu cũng không đồng đều. Trong khi nhiều bên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin sẽ đáp ứng kịp thời hạn, một số khác lại tỏ ra lo ngại về khả năng hoàn thành đúng hạn. Do đó, phía EC cho rằng, cần có thêm thời gian chuẩn bị là 12 tháng để các bên cùng sẵn sàng đáp ứng EUDR. Đề xuất này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và phải được sự đồng ý của EP và các quốc gia thành viên của EU.