Khách du lịch Hội An. Ảnh: Thảo Ngân |
Thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, có thể kể đến như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Nghệ thuật Bài chòi cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Đông đảo cư dân Hội An đang tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500 - 4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, TP Hội An sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững.
Để thực hiện cam kết đối với Mạng lưới, TP Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến cũng như kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.
Ngày mai 1/11, TP Hội An sẽ tổ chức đoàn diễu hành chào mừng Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Cùng gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO ở Việt Nam lần này có TP Đà Lạt được công nhận ở lĩnh vực âm nhạc.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tính đến tháng 10/2023, Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO đã kết nạp thêm 55 thành phố, đưa tổng số đô thị trong mạng lưới này lên 350 thành phố đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Các thành phố đủ tiêu chuẩn gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO phải có cam kết mạnh mẽ trong việc khai thác văn hóa và sáng tạo như một phần của chiến lược phát triển, đồng thời thể hiện được thực tiễn đổi mới trong quy hoạch đô thị lấy con người làm trung tâm.