Diễn đàn có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ, bàn luận về tiềm năng, thách thức trong hợp tác kinh tế hai bên. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Sáng 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ.
Tại sự kiện, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT nhận định, diễn đàn là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Đây sẽ là cầu nối để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
“Chúng tôi hy vọng những kết quả đạt được từ diễn đàn hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng để hai bên tiến xa hơn trong việc tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới”, ông Trần Công Thắng kỳ vọng.
Thời gian qua, thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ đã tăng từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023. 7 tháng đầu năm 2204, kim ngạch thương mại hai nước đạt 65,5 triệu USD.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Mông Cổ hướng đến mục tiêu sớm đạt 200 triệu USD kim ngạch thương mại song phương.
Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam và Mông Cổ đều có lợi thế vượt trội ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, Việt Nam có kinh nghiệm phát triển ngành lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, trái cây nhiệt đới; là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, trái cây, thủy sản...
Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về các sản phẩm thịt nhập khẩu, các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật, các chế phẩm từ thịt, cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác...
Trong khi đó, ngành chăn nuôi chiếm tới 83% sản phẩm nông nghiệp của Mông Cổ. Quốc gia này có thế mạnh của ngành chăn nuôi truyền thống, có lợi thế sản xuất thịt dê, cừu và len chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn trở thành biểu tượng của nền nông nghiệp Mông Cổ trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, hai quốc gia cũng có các hiệp định thương mại chung, từ đó thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác. Đơn cử như Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày 13/12/1999, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày 17/4/2000.
Ngoài ra hai nước còn có các bản ghi nhớ chung như bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại năm 2021, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, hợp tác văn hóa tháng 5/2022...
Sản phẩm của doanh nghiệp Mông Cổ trưng bày tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 24 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Nói thêm về tiềm năng hợp tác, ông Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, bên cạnh nông nghiệp, Việt Nam và Mông Cổ còn có tiềm năng hợp tác trong mảng du lịch.
Mông Cổ vốn nổi tiếng với những nét văn hóa độc đáo để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch thiên nhiên hoang dã, văn hóa du mục.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nền du lịch đang phát triển. Một số mô hình Việt Nam có tiềm năng thu hút du khách Mông Cổ như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; du lịch làng nghề; du lịch không phát thải; du lịch nông thông gắn với sản phẩm OCOP...
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế, hai nước cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sự khác biệt về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chi phí logistics...
Ông Nguyễn Anh Phong cho rằng, thị trường Mông Cổ nhỏ và phân tán nên mức tiêu thụ thấp, các ngành sản xuất quy mô nhỏ nên nhu cầu cho các yếu tố đầu vào sản xuất thấp.
Vận tải hàng hóa sang Mông Cổ có chi phí cao và thời gian dài do nước này nằm sâu trong lục địa nên phải đa phương thức vận chuyển và trung chuyển như trung chuyển qua Trung Quốc mất khoảng 10 ngày...
Hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Trung Quốc do nước này có lợi thế hơn về chi phí và thời gian vận chuyển. Doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ chưa có nhiều dự án hợp tác đầu tư, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp gần như chưa có.