Chiều 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày trước Quốc hội về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã giải trình chi tiết và báo cáo cụ thể về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo luật. Dự thảo Luật được trình Quốc hội tại kỳ họp này bao gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7.
Về phạm vi điều chỉnh, UBTVQH đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
UBTVQH đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.
Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác…
Cùng với đó, UBTVQH đã chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định theo cấp độ di tích.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 23/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, dự thảo luật quy định đây là quỹ để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được, như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.
Về thanh tra di sản văn hóa, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, UBTVQH đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.
Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, quy định các chính sách cho nghệ nhân, cho cộng đồng, cá nhân thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn về kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, không gian văn hóa liên quan... tại dự thảo luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để chính sách phù hợp với từng đối tượng, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết.