Hội VASEAN cùng doanh nghiệp 'gõ cửa' những thị trường tiềm năng

Hội VASEAN cùng doanh nghiệp 'gõ cửa' những thị trường tiềm năng

KINH TẾ VASEAN
10:56 - 10/02/2024
Suốt hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) luôn mang sứ mệnh là cầu nối thúc đẩy hợp tác trong thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước ASEAN và các đối tác chính của khối.

PGS. TS Bùi Tất Thắng - Chủ tịch Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) nhận định, năm 2023, nền kinh tế ASEAN phải đối mặt với bối cảnh phức tạp gồm căng thẳng địa chính trị, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Song vượt qua những thách thức, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của các nước Đông Nam Á trong năm 2023 ở mức 4,3%, cao hơn mức tăng trưởng GDP thế giới được dự báo khoảng 3%. Trong dòng chảy kinh tế của khu vực, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng, đạt 5,05% tăng trưởng GDP, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Năm 2024, các nhà phân tích Maybank dự báo, khu vực ASEAN sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng hơn vào năm 2024, khi sản xuất và xuất khẩu phục hồi. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng GDP của ASEAN-6 sẽ phục hồi từ 4% vào năm 2023 lên 4,7% năm 2024. Có những dấu hiệu mới cho thấy chồi xanh đang nảy mầm trong dữ liệu sản xuất và xuất khẩu gần đây, làm sáng tỏ triển vọng tăng trưởng trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tất Thắng, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một rủi ro rất đáng kể cho kinh tế toàn cầu là các diễn biến địa chính trị sẽ còn rất phức tạp hay triển vọng thương mại toàn cầu vẫn nhiều bấp bênh.

Nhìn nhận câu chuyện đầu tư, thương mại Việt Nam - ASEAN và các nước trong khu vực, ông Bùi Tất Thắng đánh giá, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể.

Đến thời điểm hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 32,7 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa đạt 41 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.

Việt Nam cũng đã thu hút được trên 56 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ khu vực ASEAN, chiếm 21,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Ngược lại, hiện nay đầu tư của Việt Nam sang ASEAN cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 45% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường chiến lược như Lào, Campuchia, Singapore...

Thành tựu trên là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu, khai thác các lợi thế, cơ hội về mặt địa lý, thị hiếu người tiêu dùng, giá cả mà khu vực thị trường ASEAN mang lại. Hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thể coi ASEAN là đích đến, cũng là bước đầu để hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác.

Thị trường ASEAN cũng là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam, với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động. Cộng thêm, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương với từng nước.

KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CAO LÀ LỢI THẾ

Từ những nhận định cơ hội và thách thức, Chủ tịch Hội VASEAN cho rằng, giai đoạn tới, doanh nghiệp cần tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, nỗ lực tìm thị trường mới, đẩy các sản phẩm thế mạnh sang thị trường ngách để duy trì sản xuất cũng như đa dạng hóa sản phẩm.

Cũng theo ông Thắng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp Việt Nam đã đến lúc phải đặt bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất lên hàng đầu. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Trong điều kiện môi trường kinh doanh đầy biến động, bất định, doanh nghiệp không có cách nào khác là phải từng bước nâng cao năng lực nội sinh, tăng khả năng thích nghi và năng lực chống chịu, tự cường, bình tĩnh vượt qua khó khăn, thách thức nhằm tiếp tục duy trì động lực thúc đẩy phát triển kinh doanh ổn định và bền vững.

"Thế giới đang thay đổi, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng cũng đã có nhiều đổi khác. Nếu không kịp chuyển biến và thích ứng, doanh nghiệp Việt sẽ sớm bị bỏ lại trong vòng xoáy đi lên toàn cầu", ông Bùi Tất Thắng nhìn nhận.

SỨ MỆNH CẦU NỐI GIAO THƯƠNG

Nhắc lại sứ mệnh kết nối của Hội VASEAN, Chủ tịch Hội, ông Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, bước sang nhiệm kỳ mới 2023 - 2028, Hội đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín của Hội và các đơn vị trực thuộc Hội theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Thứ hai, duy trì và phát triển lực lượng hội viên của Hội. Tập hợp, đoàn kết, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với các nước trong và ngoài khu vực.

Thứ ba, thông qua các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Hội như tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị từ đó tập hợp các ý kiến góp ý với cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực; gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và kết nạp các tổ chức quốc tế vào Hội; Hợp tác chặt chẽ với Đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước ASEAN.

"Bối cảnh mới, thách thức mới nhưng cũng nhiều cơ hội mới, VASEAN sẽ luôn là cầu nối hữu hiệu trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác ASEAN cũng như các đối tác khác trên thế giới, song hành cùng doanh nghiệp “gõ cửa” những thị trường đầy tiềm năng", ông Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.

Đọc tiếp