Dù lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt, nhưng trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước khiến các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... có nhiều rủi ro nên người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo tài sản.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022, tương ứng tăng hơn 583.494 tỷ đồng. Tính riêng tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 217.353 tỷ đồng trong tháng 9. Trước đó, trong tháng 8 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng tới 103.501 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 6,23 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,65% so với cuối năm ngoái.
Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý 3/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm.
Theo ghi nhận của Mekong ASEAN, trong tháng 9/2023, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất huy động. Trong đó, MB, OCB, ACB, Techcombank, Nam A Bank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng. Hầu hết các ngân hàng đều đưa mức lãi suất huy động cao nhất chỉ quanh 6-6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Trong đó nhóm Big 4 đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm trong tháng 9 - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Ở nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân, có ngân hàng huy động gần ngang mức lãi suất tại nhóm các ngân hàng quốc doanh.