Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa cuối tháng 1/2024 đạt 35,32 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 19,3 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa đạt 16,02 tỷ USD, cao gấp 1,7 lần. Việt Nam xuất siêu 3,28 tỷ USD hàng hóa.
Tính chung tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 65,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 30,8 tỷ USD, tăng 34%. Việt Nam xuất siêu 0,7 tỷ USD hàng hóa.
Về xuất khẩu, nửa cuối tháng 1/2024, Việt Nam có 45 mặt hàng xuất khẩu chính ra thế giới. Nhóm điện tử và may mặc vẫn có kim ngạch cao nhất với cùng đạt trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,08 tỷ USD, tăng tới 131% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 16,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,36 tỷ USD, tăng 101%. Trong nhóm may mặc, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 1,83 tỷ USD, tăng 170%; giày dép đạt 1,14 tỷ USD, tăng tới 235%.
Đáng chú ý, tất cả mặt hàng nông, thủy sản đều ở mức tăng trưởng 3 con số. Hạt điều là mặt hàng tăng cao nhất với +486%, đạt 188 triệu USD. Đứng sau là cà phê với +377%, đạt 409 triệu USD; hàng thủy sản +224%, đạt 431 triệu USD; gạo +218%, đạt 227 triệu USD; sắn +216%, đạt 90 triệu USD. Chè và rau quả tăng lần lượt 192% và 197%, đạt 11,4 triệu USD và 260 triệu USD.
Tính chung 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có tới 32 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng 3 con số về kim ngạch; 12 mặt hàng tăng trưởng 2 con số và duy nhất mặt hàng dầu thô giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nhập khẩu, nửa cuối tháng 1/2024, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về kim ngạch với 2,04 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2023 và cũng mặt hàng nhập khẩu duy nhất của Việt Nam có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Ngoại trừ sữa giảm 11%, hạt điều giảm 24% và ô tô giảm 30%, các mặt hàng nhập khẩu còn lại đều ghi nhận tăng trưởng tốt, từ 1 đến 3 con số. Trong đó, phân bón ghi nhận tăng tới 371%, đạt 82 triệu USD; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 204%, đạt 126 triệu USD; dầu thô tăng 88%, đạt 491 triệu USD; cao su tăng 103%, đạt 131 triệu USD; gỗ tăng 165%, đạt 112 triệu USD…
Trong nhóm nông, thủy sản, rau quả ghi nhận tăng trưởng tới 120%, đạt 109 triệu USD. Lúa mì cũng tăng thêm 113%, đạt 69 triệu USD; đậu tương tăng 122%, đạt 61 triệu USD; dầu mỡ tăng 125%, đạt 43 triệu USD; hàng thủy sản 123%, đạt 136 triệu USD…