Honda đầu tư mạnh cho xu hướng xe điện toàn cầu

XE ĐIỆN NHẬT BẢN
07:44 - 13/04/2022
Honda có thể sẽ cho ra mắt mẫu xe thể thao điện của mình. Ảnh: Honda
Honda có thể sẽ cho ra mắt mẫu xe thể thao điện của mình. Ảnh: Honda
0:00 / 0:00
0:00
Cùng gia nhập xu hướng xe điện của thế giới, nhà sản xuất Honda của Nhật Bản quyết định sẽ đầu tư khoảng 39,9 tỷ USD vào các công nghệ phần mềm để điện hóa các phương tiện của mình, với mục tiêu tung ra thị trường 30 mẫu xe điện vào năm 2030.

Theo CNBC, trong một tuyên bố chính thức hôm 12/4, Honda cho biết công ty sẽ dành ra khoảng 70% tổng chi đầu tư nói trên, tức 27,8 tỷ USD cho các công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) cho tương lai, 30% còn lại tức 11,9 tỷ USD tập trung vào các phương tiện chạy bằng điện.

Về mục tiêu trong tương lai, Honda cho biết đang hướng tới 2 triệu chiếc xe ô tô điện được sản xuất mỗi năm vào năm 2030. Tới lúc đó, tổng ngân sách cho công tác R&D sẽ lên tới 63,9 tỷ USD, thể hiện cam kết nghiên cứu và phát triển công nghệ tiềm năng cho tương lai rất được tập đoàn chú trọng.

Thêm vào đó, để có thể mở rộng sản xuất, công ty Nhật Bản cho biết sẽ thiết lập một nhà máy chuyên về sản xuất ô tô điện tại các thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc là Quảng Châu và Vũ Hán. Đồng thời, Honda cũng sẽ lên kế hoạch cho một “dây chuyền sản xuất xe điện chuyên dụng” tại Bắc Mỹ.

Nhưng đầu tư vào mảng sản xuất xe điện không vẫn chưa đủ mà Honda còn định đầu tư cả về mảng pin. Trước mắt tại phía Bắc Mỹ, nhà sản xuất này sẽ sẽ “mua pin Ultium từ GM”. Tuy nhiên ngoài GM, công ty không loại trừ khả năng tự thành lập một công ty liên doanh để sản xuất pin cho riêng mình.

Mặt khác mới tuần trước, Honda và GM thông báo sẽ phát triển một loạt xe điện giá cả phải chăng dựa trên nền tảng toàn cầu mới. Nhằm tìm cách lợi dụng xu thế toàn cầu chính là các nền kinh tế lớn bắt đầu tìm cách cắt giảm số lượng xe chạy bằng động cơ diesel và xăng trong tương lai gần, Honda cùng các nhà sản xuất ô tô lớn khác trên thế giới đang chạy đua trong việc điện hóa phương tiện của mình. Việc phát triển chiến lược điện hóa chính là cách duy nhất giúp các nhà sản xuất vừa có thể theo kịp các quy định mới nhưng không bị mất đi ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Một ví dụ có thể kể đến là nhà sản xuất ô tô của Mỹ là Ford khi công ty có kế hoạch tung ra 7 mẫu xe điện mới tại thị trường châu Âu vào năm 2024. Tới năm 2026, nhà sản xuất đặt mục tiêu bán được hơn 600.000 xe điện mỗi năm trong khu vực này.

Trong khi đó, Volvo Cars cho biết hồi tháng 3 trước đó rằng, công ty đang có kế hoạch trở thành “công ty chỉ sản xuất ô tô chạy điện” vào năm 2030. Theo nhà sản xuất ô tô này, công ty nhắm tới ít nhất 50% lượng xe được giao năm 2030 sẽ là các mẫu chạy hoàn toàn bằng điện. Một nhà sản xuất khác từ Đức là Mercedes-Benz cũng khẳng định đã “sẵn sàng chuyển sang sản xuất xe điện hoàn toàn vào cuối thập kỷ này nếu điều kiện thị trường cho phép”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Ola Kallenius, chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Mercedes-Benz đã đưa ra một số suy nghĩ đằng sau chiến lược của công ty. Cụ thể, ông chia sẻ rằng điều tốt khi đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo ở những khu vực có năng suất cao, chính là giá cả. Nếu nhìn vào giá tiền trên mỗi kilowatt giờ khi hệ thống điện từ nguồn năng lượng tái tạo bắt đầu vận hành, có nhiều lựa chọn trong số đó ít tốn kém hơn so với năng lượng hóa thạch.

Do đó, công ty đang có một kế hoạch khác chính là sử dụng hơn 70% nhu cầu năng lượng của mình nhờ vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Các nhà sản xuất khác với các khoản đầu tư mạnh vào R&D và phương tiện sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn lên Tesla – nhà sản xuất xe điện hàng đầu thị trường tính đến hiện tại. Trong quý đầu tiên của năm 2022, công ty của tỷ phú Elon Musk đã sản xuất hơn 305.000 xe.

Đọc tiếp