Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP |
“Chúng tôi sẽ không ủng hộ Ukraine trong bất kỳ vấn đề nào trên trường quốc tế cho đến khi họ khôi phục luật đảm bảo quyền lợi cho những người dân tộc Hungary sống tại vùng Transcarpathian”, Thủ tướng Hungary Orban phát biểu tại Quốc hội ngày 25/9, theo RT.
Hungary và Ukraine đã bất đồng về quyền của dân tộc thiểu số kể từ năm 2017 khi Quốc hội Ukraine đã thông qua luật cấp quy chế đặc biệt cho tiếng Ukraine.
Theo luật này, toàn bộ công dân trên lãnh thổ Ukraine phải biết ngôn ngữ quốc gia là tiếng Ukraine, đồng thời đây là ngôn ngữ bắt buộc phải sử dụng đối với người lao động trong khu vực nhà nước như giới viên chức, quân nhân, bác sỹ, giáo viên.
Đạo luật ngôn ngữ cũng yêu cầu các đài truyền hình và xưởng phim phải đảm bảo 90% nội dung sản phẩm là bằng tiếng Ukraine, trong khi tỉ lệ này đối với các sản phẩm in ấn và sách báo, ít nhất là 50%.
Tuy nhiên, Hungary cho rằng luật này đã ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng dân tộc thiểu số Hungary ở Transcarpathian, tỉnh nằm ở phía Tây Nam Ukraine. Giới chức cho biết, có khoảng 100 trường học Hungary ở Ukraine phải đóng cửa sau khi đạo luật được thông qua.
Ước tính có khoảng 156.000 người dân tộc Hungary sống ở Ukraine, hầu hết tập trung ở vùng Transcarpathia. Ukraine cũng là nơi sinh sống của khoảng 150.000 người dân tộc Romania và hơn 250.000 người Moldova. Giới chức Bucharest và Budapest đã từng yêu cầu Kiev sửa đổi luật ngôn ngữ.
Đây cũng là một trong những lý do khiến Hungary - quốc gia thành viên NATO và EU - ngăn cản nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập cả hai tổ chức này. Hồi tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo nước này sẽ không phê chuẩn đơn xin gia nhập EU và NATO của Ukraine cho đến khi Kiev giải quyết các bất đồng.
Giới chức Ukraine chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Hungary.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Hungary đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như không cho phép sử dụng đưa vũ khí từ lãnh thổ của mình sang Kiev. Budapest cũng đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như mong đợi, ngược lại chúng có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Gần đây nhất, nước này đã chặn việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa, khiến Ukraine dọa kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).