Phái đoàn IAEA lên đường tới khảo sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hồi tháng 9. Ảnh: IAEA |
TASS dẫn thông báo ngày 20/11 của ông Renat Karchaa, cố vấn của người đứng đầu Công ty kỹ thuật điện hạt nhân Rosenergoatom Nga, cho biết các thanh sát viên có quyền tiếp cận nhà máy để thị sát sau loạt vụ pháo kích.
Tuy nhiên, ông Renat đồng thời nhấn mạnh rằng: “Đương nhiên là chúng tôi sẽ cấp cho họ quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân tương ứng. Nhưng nếu họ muốn kiểm tra cơ sở không liên quan đến an ninh hạt nhân thì chúng tôi sẽ từ chối. Không phải vì chúng tôi muốn che giấu bất cứ điều gì, mà vì họ nên làm việc trong phạm vi nhiệm vụ của mình”.
Ngoài ra, đại diện của Rosenergoatom cũng ra cảnh báo nguy cơ những vụ pháo kích bất ngờ có thể gây nguy hiểm khi nhóm thanh sát viên này đến nhà máy điện Zaporizhzhia.
Nhà máy Zaporizhzhia tiếp tục trở thành mục tiêu pháo kích của các bên xung đột. Ảnh: EPA-EFE |
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Pháp BFM, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các thanh sát viên đang có kế hoạch thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để đánh giá thiệt hại. Ông cũng cho biết đang chuẩn bị cho chuyến công du tới Nga và Ukraine để thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho nhà máy này.
Trước đó, IAEA đã lên tiếng cảnh báo về các vụ nổ làm rung chuyển Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong ngày 19-20/11. Ông Grossi khi đó đã đưa ra cảnh báo cho các bên là “đang đùa với lửa” và yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức” các hành vi pháo kích vào nhà máy.
Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều lên tiếng đổ lỗi lẫn nhau về các vụ việc trên. Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine Energoatom cáo buộc Nga có hành vi pháo kích ít nhất 12 lần vào nhà máy này. Còn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vụ pháo kích được thực hiện bởi lực lượng vũ trang Ukraine và sau đó bị đơn vị pháo binh Nga đáp trả.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vốn cung cấp khoảng 1/5 lượng điện của Ukraine trước khi chiến sự nổ ra và đã nhiều lần buộc phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng. Nhà máy này có 6 lò phản ứng VVER-1000 V-320 làm mát bằng nước và điều tiết bằng nước do Liên Xô thiết kế có chứa Uranium 235.
Các lò phản ứng đã ngừng hoạt động nhưng có nguy cơ nhiên liệu hạt nhân có thể quá nóng nếu nguồn điện chạy hệ thống làm mát bị cắt. Pháo kích đã nhiều lần cắt đứt đường dây điện.
Phái đoàn IAEA tại hiện trường vụ pháo kích ở nhà máy Zaporizhzia hồi tháng 9. Ảnh: Reuters |
Hồi đầu tháng 9, một phái đoàn IAEA đã tới nhà máy Zaporizhzhia để thị sát sau khi xảy ra các vụ pháo kích gây ra mối nguy về thảm họa hạt nhân. Khi đó, IAEA đã ra một báo cáo để kêu gọi các bên thiết lập một khu vực an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh nhà máy để ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về việc này.
“Tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi khu vực này được phi quân sự hóa. Trước tình hình các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn, điều này là cần thiết hơn bao giờ hết”, người đứng đầu IAEA cho biết trong một tuyên bố.