Chủ tịch HĐQT Vũ Trọng Quân (thứ 2 từ trái sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong |
Cụ thể, công ty lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 857 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 104 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 331 tỷ đồng doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được đề xuất tại ĐHĐCĐ thường niên lần 1 tổ chức bất thành ngày 17/5. HĐQT đề xuất chi trả cổ tức 8% cho năm 2024 bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Đáng chú ý, công ty trước đó đã từng đề xuất không chia cổ phiếu cho năm 2023. Ở đại hội lần 2 này, HĐQT IDJ thay đổi và trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%. Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán là 109,4 tỷ đồng.
Tổng số lượng cổ phiếu phát hành không quá 5,205 triệu đơn vị, thời gian phát hành dự kiến từ năm 2024 – 2025 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
ĐHĐCĐ IDJ: Tâm điểm đà tăng của cổ phiếu nhóm APEC
Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 862 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 142 tỷ đồng. Phần lớn tỷ trọng doanh thu tới từ việc bàn giao sản phẩm thuộc dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn, dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương và Apec Mandala Wyndham Mũi Né.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, bên cạnh việc duy trì doanh thu từ các hoạt động kinh doanh như chủ thầu dự án, cho thuê bất động sản, IDJ đang mở rộng thêm sang lĩnh vực xây lắp nội thất.
Sang năm 2024, IDJ tiếp tục phát triển kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi là bất động sản, ưu tiên các thị trường có cơ hội phát triển. Apec Wyndham Hải Dương và Apec Wyndham Mũi Né vẫn tiếp tục mang lại doanh thu trong lĩnh vực khách sạn cho IDJ. Đồng thời, IDJ đặt mục tiêu tới năm 2030, tỷ trọng doanh thu dịch vụ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của công ty.
Trong quý 1/2024, IDJ ghi nhận doanh thu 67,7 tỷ đồng, giảm 72,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm từ 30,3 tỷ đồng về còn 15,2 tỷ đồng.
M&A loạt dự án
Một tờ trình mới khác được đề cập tại ĐHĐCĐ lần này, là việc thực hiện thu hồi tạm ứng, xử lý các khoản cho vay.
Cụ thể, IDJ đã cho các cổ đông của CTCP Đầu tư APEC Thái Nguyên vay 415 tỷ đồng. ĐHĐCĐ được đề nghị quyết định thực hiện thu hồi khoản cho vay (bao gồm gốc và lãi) thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông tương ứng 99% vốn điều lệ tại APEC Thái Nguyên. Tổng giá trị chuyển nhượng không vượt quá 450 tỷ đồng để chuyển nhượng tương ứng 9,9 cổ phần, tương đương 99% vốn điều lệ APEC Thái Nguyên).
IDJ cũng đã cho CTCP APEC Finance vay 100,4 tỷ đồng. HĐQT đề xuất thực hiện thu hồi khoản cho vay này (bao gồm gốc và lãi) thông qua nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của APEC Finance tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận. Giá trị nhận chuyển nhượng không vượt quá 120 tỷ đồng để sở hữu 108,79 tỷ đồng vốn góp tương ứng 88.67% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng được đề nghị quyết định thực hiện thu hồi tạm ứng thông qua việc nhận chuyển nhượng lại cổ phần của CTCP Nước khoáng Cúc Phương. Tổng giá trị chuyển nhượng không vượt quá là 210 tỷ đồng, trong đó số cổ phần chuyển nhượng là 6.237.000 cổ phần tương ứng 99% vốn điều lệ công ty.
HĐQT IDJ đánh giá các công ty Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên, Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận và Công ty CP Nước khoáng Cúc Phương đều đang sở hữu những dự án có vị trí tiềm năng phát triển, phù hợp với mục tiêu của IDJ trong chiến lược mở rộng quỹ đất, chuẩn bị cho việc đầu tư phát triển dự án trong tương lai.