Ra mắt Chỉ số khả năng chống chịu của công trình tại Việt Nam BRI. |
Sáng 20/4, tại Hà Nội, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo ra mắt sáng kiến Chỉ số khả năng chống chịu của công trình (BRI). Đây là công cụ đánh giá chỉ số loại này đầu tiên trên toàn cầu.
BRI sử dụng khung lập bản đồ rủi ro thiên tai và đánh giá khả năng chống chịu trên nền tảng web để đánh giá những rủi ro khí hậu tại một địa điểm cụ thể cho các dự án bất động sản, cũng như các biện pháp thích ứng đã được thực hiện.
Sáng kiến này có thể giúp các nhà phát triển công trình, người mua nhà và các bên liên quan khác dễ dàng đánh giá, cải thiện và công bố khả năng chống chịu của một tòa nhà.
BRI nằm trong Kế hoạch Hành động về Chống chịu và Thích ứng với Biến đổi khí hậu 2019 của World Bank (World Bank). Theo IFC, các loại công trình khách sạn, toà nhà thương mại, bệnh viện, trường học, nhà ở...nên ưu tiên sử dụng BRI trong các tính toán an toàn của mình.
Sáng kiến BRI được giới thiệu lần đầu vào năm 2020 với Philippines là quốc gia thí điểm. Trong vòng 18 tháng, 1,8 triệu m2 diện tích sàn đã được BRI cam kết đánh giá để nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với thiệt hại lên đến 10 tỷ USD vào năm 2020 (tương đương 3,2% tổng sản phẩm quốc nội) do các tác động của khí hậu.
Đặc biệt, khoảng 300 khu vực đô thị ven biển - nơi cung cấp sinh kế cho lực lượng dân số đông đảo - đang đô thị hóa nhanh chóng và ngày càng tăng, phải chịu tổn thất nặng nề do nằm ở những vùng đất thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, đối mặt với các nguy cơ từ những hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra liên tục, điều quan trọng là phải đảm bảo các công trình có khả năng chống chịu với nhiều loại thiên tai như lốc xoáy, ngập lụt, hỏa hoạn và sạt lở đất, đặc biệt là ở các khu vực đô thị của Việt Nam, nơi có rất nhiều người sinh sống.
"Thông qua việc giới thiệu chỉ số BRI đến các đơn vị phát triển, các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, chúng tôi mong muốn giúp đẩy mạnh chương trình nghị sự quốc gia về khí hậu nhằm thúc đẩy một nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn”, ông Thomas Jacobs chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng cho hay, việc lồng ghép các giải pháp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị sẽ giúp đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh cho người dân sinh sống và làm việc, đồng thời tránh thiệt hại về tài sản của người dân và doanh nghiệp, đóng góp vào lộ trình phát triển xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng 0 của quốc gia.
Với sự hỗ trợ của chính phủ Australia, dự án BRI tại Việt Nam đã xác định và tích hợp các bản đồ rủi ro thiên tai của quốc gia vào ứng dụng BRI.
Dự án sẽ chọn 3 công trình thí điểm trong các tòa nhà chung cư, văn phòng, bán lẻ, giáo dục và khách sạn để đánh giá và nâng cao khả năng chống chịu cho công trình.
Các cấp độ đánh giá Chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà (BRI). Nguồn: IFC. |
IFC cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng chỉ số BRI trong ngành xây dựng Việt Nam thông qua hoạt động nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các đơn vị phát triển tòa nhà và các bên liên quan khác.
Chương trình BRI tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công và bổ trợ cho chương trình chứng nhận công trình xanh EDGE của IFC, tập trung vào giảm nhẹ tác động của Biến đổi khí hậu. Theo IFC, chương trình EDGE đã giúp tiết kiệm mỗi năm 4,1 triệu USD chi phí sử dụng điện và nước cho 77.000 cư dân và giảm phát thải 30.000 tấn khí nhà kính hàng năm kể từ năm 2015 đến nay.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi. IFC làm việc tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.
Trong năm tài chính 2022, IFC đã cam kết một khoản tiền kỷ lục lên đến 32,8 tỷ USD cho doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính ở những nước đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung khi các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của các cuộc khủng hoảng kép toàn cầu.