Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) chào Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 15/22/2022. Ảnh: Times of Israel |
CNA đưa tin, trong một tuyên bố với hãng tin Antara vào tối 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Lalu Muhamad Iqbal cho biết: “Tôi khẳng định rằng, cho đến nay, chúng tôi không có kế hoạch thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, đặc biệt là trước các hành động của Israel ở Gaza”.
Ông Iqbal khẳng định sự ủng hộ kiên định của Indonesia đối với nền độc lập của Palestine trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh rằng Indonesia nhất quán trong việc bảo vệ các quyền của người dân Palestine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia được đưa ra sau khi một số hãng tin hàng đầu Israel đưa tin rằng, Jakarta đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv như là một điều kiện để gia nhập OECD. Nền tảng cho thỏa thuận này đã được thiết lập trong suốt 3 tháng đàm phán bí mật giữa Indonesia, Israel và Tổng thư ký OECD Mathias Cormann.
Các báo cáo cho biết thêm rằng, Indonesia đã đồng ý với một điều khoản quy định rằng nước này phải thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trước khi được OECD này chấp thuận tư cách thành viên.
Indonesia hiện không có quan hệ ngoại giao với Israel. Tháng trước, Văn phòng Tổng thống Indonesia Joko Widodo phủ nhận các báo cáo cho rằng Jakarta và Tel Aviv đã bình thường hóa quan hệ vào tháng 10/2023, trước khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 và khiến cuộc chiến tại Dải Gaza nổ ra.
Indonesia trở thành đối tác chủ chốt của OECD vào năm 2007 và giúp tổ chức liên chính phủ này khởi động chương trình Đông Nam Á vào năm 2014. Indonesia chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của OECD vào tháng 7/2023 và bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập vào tháng 2/2024.
Việc gia nhập OECD phải được sự chấp thuận từ 38 thành viên hiện tại của tổ chức, trong đó có Israel. Lộ trình trở thành thành viên OECD của Indonesia dự kiến sẽ được Jakarta thông qua vào tháng 5.
Tuy nhiên, Israel đã từ chối việc Indonesia gia nhập OECD vì nhiều lý do, bao gồm việc hai nước không có quan hệ chính thức, sự chỉ trích của Indonesia đối với Israel liên quan đến cuộc chiến ở Dải Gaza và sự ủng hộ của Indonesia đối với vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở Den Hague (Hà Lan).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Lalu Muhamad Iqbal cho biết phải mất từ 3-5 năm để một quốc gia trở thành thành viên của OECD. “Thời điểm Indonesia trở thành thành viên chính thức của OECD vẫn chưa được xác định,” ông cho hay.
Tư cách thành viên OECD dự kiến sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Indonesia, dự kiến có thể tăng đầu tư từ các nước OECD tới nước này lên tới 0,37% và thúc đẩy GDP lên tới 0,94%.