Dầu cọ được bày bán tại siêu thị Indonesia. Ảnh: Reuters |
Tại Indonesia, giá bán lẻ dầu cọ đã đạt mức trung bình 1,84 USD / lít, tăng hơn 40% trong năm 2022 theo Reuters. Tại một số tỉnh trên cả nước, giá cả thậm chí đã tăng gần gấp đôi chỉ trong tháng 3 qua theo một trang giám sát giá. Trên khắp các thành phố của đất nước này, các cuộc biểu tình của người dân dần nổ ra để phản đối giá dầu ăn tăng cao.
Nhằm giải quyết tình trạng này, chính phủ Indonesia đã ban hành mức giá giới hạn 0,97 USD / lít đối với dầu ăn số lượng lớn. Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ Thương mại nước này cho thấy dầu ăn vẫn được bán ở mức hơn 1,24 USD trong tháng 4.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati. Ảnh: Reuters |
Cấm xuất khẩu dầu cọ để ổn định giá dầu ăn nội địa
Như một hệ quả tất yếu, trong một video được phát sóng công khai với cả nước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ là một bước đi nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn cung trong nước. Lạm phát lương thực toàn cầu đang tăng lên mức cao kỷ lục, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân quốc gia này.
Ông Widodo khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc thực hiện chính sách để nguồn cung dầu ăn tại thị trường nội địa trở nên dồi dào với giá cả phải chăng”.
Việc Indonesia ngừng xuất khẩu dầu cọ, vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống từ sản xuất bánh ngọt tới mỹ phẩm, có thể khiến chi phí sản xuất gia tăng hơn nữa do nước này chiếm hơn 1 nửa nguồn cung toàn cầu. Giá dầu cọ trên thế giới đã tăng cao kỷ lục trong năm 2022, do nhu cầu cao nhưng sản lượng thấp từ các nhà xuất khẩu hàng đầu là Indonesia và Malaysia.
Ông Atul Chaturvedi, chủ tịch cơ quan thương mại Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi của Ấn Độ (SEA) nhận định, động thái mới từ Indonesia sẽ làm tổn thương người tiêu dùng ở những thị trường lớn như Ấn Độ và trên toàn cầu.
Các công ty sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm lớn trên thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm này, bao gồm những cái tên nổi tiếng như Procter & Gamble, Nestle SA và Unilever PLC. Nhà sản xuất bánh quy Oreo Mondelez International cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do 0,5% lượng dầu cọ tiêu thụ trên toàn cầu là thuộc về hãng.
Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhận định, đây là một nước đi cần thiết để hạ nhiệt thị trường dầu cọ trong nước. Bà chia sẻ đây là một trong những biện pháp cứng rắn nhất mà chính phủ buộc phải ban hành khi các biện pháp trước đó không thể ổn định thị trường nội địa.
Trước bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ chính thức có hiệu lực từ 28/4, giá dầu thực vật thay thế đã tăng đột biến. Dầu đậu nành – loại dầu được sử dụng phổ biến thứ 2 sau dầu cọ - đã tăng 4,5% lên mức cao kỷ lục 83,21 cent cho 1 pound theo Hội đồng Thương mại Chicago.
Đồn điền trồng cọ tại Banjarmasin, tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Reuters |
Thị trường dầu ăn toàn cầu gặp khó
Trong bối cảnh các lệnh cấm xuất khẩu được ban hành, đặc biệt là sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, thị trường dầu ăn toàn cầu đang chịu những ảnh hưởng lớn. Do Biển Đen chiếm 76% lượng xuất khẩu dầu hướng dương trên thế giới, các hoạt động vận chuyển thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khu vực này đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, xảy ra tình trạng thiếu dầu ăn.
Sau khi nguồn cung dầu hướng dương gặp vấn đề, nhiều quốc gia đã phải chuyển sang dùng dầu cọ. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu dầu cọ thứ 2 thế giới là Malaysia cũng không ở trong tình trạng tốt hơn là bao. Do đại dịch, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, do đó dẫn tới thiếu hụt sản lượng. Vì vậy, việc kéo gần khoảng cách xuất khẩu với Indonesia là không khả thi với tình huống hiện tại.
Giờ đây khi nguồn cung dầu cọ thắt chặt, người tiêu dùng chỉ còn trông chờ vào nguồn cung dầu đậu nành. Tuy nhiên, chúng cũng bị ảnh hưởng do các vụ mùa đậu nành và hạt cải gần đây tại Argentina, Brazil và Canada đều gặp vấn đề. Tuy các cơ sở chế biến dầu đậu nành và dầu hạt cải cho nhiên liệu sinh học dự kiến sẽ lần lượt được khai trương tại Mỹ và Canada trong những năm tới, việc tăng cường sản xuất trong tương lai gần là rất khó khăn.
Thêm vào đó, Indonesia cũng không phải nước duy nhất ban hành các chính sách bảo hộ để giữ giá dầu trong nước ở mức thấp. Argentina, nhà xuất khẩu đậu nành chế biến hàng đầu thế giới, đã phải tạm dừng bán dầu đậu nành ra thị trường nước ngoài vào giữa tháng 3. Đồng thời, thuế xuất khẩu các sản phẩm này cũng được gia tăng từ mức cũ 31% lên 33%, gây áp lực lớn hơn nữa tới thị trường dầu ăn thế giới.
Mặt khác, Indonesia đã ngừng cấp giấy phép mới cho các đồn điền trồng dầu cọ kể từ năm 2018, do các lo ngại liên quan tới phá rừng và phá hủy môi trường sống của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi. Vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất cọ là không cao.
Hiệp hội ngành công nghiệp dầu cọ GAPKI của Indonesia cũng đồng ý sẽ tuân thủ theo chính sách trên, nhưng với sự dè dặt nhất định. Đại diện của hiệp hội cho biết nếu chính sách này có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến tính bền vững của ngành dầu cọ, tổ chức này sẽ yêu cầu chính phủ đánh giá lại tình hình.