Các nhà khai thác than châu Âu chạy đua tăng sản lượng nhắm tới nhu cầu tăng cao của châu Âu khi mùa đông tới. Ảnh: Jakarta Post |
Thông thường, tệp khách hàng từ các nhà khai thác than tại Indonesia – quốc gia xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – thường không bao gồm châu Âu do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là khoảng cách địa lý. Thay vào đó, các nhà nhập khẩu lớn của quốc gia Đông Nam Á này thường là các nền kinh tế tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ cùng một số quốc gia châu Á khác.
Tuy nhiên trong bối cảnh EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga bắt đầu từ tháng 8 vừa qua cùng việc Nga cắt giảm đáng kể lượng khí đốt tới châu lục này, nhiều khách hàng châu Âu đã phải gấp rút tìm nhà cung cấp thay thế. Các quốc gia xuất khẩu than lớn như Indonesia và Australia do đó đã được lựa chọn.
Nikkei Asia trích dẫn ông Pandu Sjahrir, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Than Indonesia, cho biết nhu cầu với than của nước này đang gia tăng mạnh do các vấn đề địa chính trị. Ông cũng bổ sung thêm Đức là một ví dụ điển hình với nhu cầu than khổng lồ phục vụ cho ngành công nghiệp và có thể sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 hoặc thứ 3 của Indonesia sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện tại, một công ty khai thác than quốc doanh của Indonesia là Bukit Asam (PTBA) đã bắt đầu vận chuyển những lô hàng than sang châu Âu. Rafli Yandra, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty này, cho biết họ đã xuất khẩu 147.000 tấn nhiên liệu này sang Italy từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay.
Khi được hỏi về các khách hàng châu Âu khác, đại diện tập đoàn này hôm 13/9 cho biết đang trong quá trình đàm phán với các quốc gia châu Âu khác như Đức và Ba Lan. Riêng trong nửa năm 2022, Bukit Asam đã sản xuất 15,9 triệu tấn than, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhu cầu tăng cao từ thị trường châu Âu có thể giúp các công ty Indonesia hưởng lợi, tuy nhiên các công ty này vẫn có nghĩa vụ đảm bảo ổn định thị trường nội địa trước. Ảnh: Getty Images |
Ở một diễn biến khác, Bumi Resources, nhà sản xuất than lớn nhất Indonesia tính theo khối lượng, cũng đang nỗ lực để tăng sản lượng trong năm nay lên tới 83 triệu tấn - nhiều hơn 6% so với năm ngoái. Theo ông Dileep Srivastava, giám đốc độc lập kiêm thư ký, công ty đã nhận được yêu cầu và cũng đang thảo luận để vận chuyển than sang các nước như Đức, Ba Lan và Italy.
Thêm vào đó tại công ty năng lượng khác là Adaro Energy, ban lãnh đạo đang đặt mục tiêu tăng sản lượng than từ 58 triệu tấn lên 60 triệu tấn vào năm 2022, tương đương với việc tăng 10% đến 14% so với năm ngoái.
Cũng nhờ đà tăng do khan hiếm nguồn cung và chiến sự, các công ty khai thác than Indonesia đang hưởng lợi nhuận cao nhất mọi thời đại. Giá than giao sau tăng vọt lên mức cao kỷ lục khoảng 460 USD / tấn vào đầu tháng 9, gấp 3 lần giá hồi đầu năm.
Do đó trong nửa đầu năm 2022, PTBA công bố thu nhập ròng 415 triệu USD, tăng 246% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thu nhập ròng của Adaro Energy tăng gấp 7 lần lên 1,2 tỷ USD và Bayan Resources tăng gần gấp 3 lần lên 970 triệu USD. Cùng đà tăng thu nhập, giá cổ phiếu của các tập đoàn này cũng tăng mạnh khi cổ phiếu của PTBA tăng 63%, Adaro Energy tăng 69% và Bayan Resources tăng 150%.
Tuy nhiên bất chấp các cơ hội mới này, các nhà khai thác than tại Indonesia lại đang bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO). Cụ thể, chính sách này yêu cầu các công ty phải bán ít nhất 25% sản lượng với mức cố định thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại để ưu tiên đảm bảo nguồn cung than nội địa và đảm bảo quốc gia này sẽ không lâm vào tình trạng thiếu điện.
Do đó, dù chính sách DMO có thể giúp ích cho các nhà máy điện chạy than của Indonesia, nó sẽ ngăn các nhà khai thác tận dụng lợi thế tối ưu của các đợt tăng giá tiếp theo khi mùa đông châu Âu tới gần.