Trại tị nạn tại Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 8/2/2024. Ảnh: Reuters |
Theo nhà lãnh đạo Israel, nguyên nhân quốc gia này tiến hành tấn công thành phố Rafah là do nơi này hiện là thành trì cuối cùng còn sót lại của lực lượng Hamas sau 4 tháng giao tranh dữ dội.
Hãng tin Reuters dẫn lời Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết: “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu loại bỏ lực lượng Hamas bằng cách bỏ qua 4 tiểu đoàn còn sót lại tại Rafah. Ngược lại, các hoạt động phức tạp tại Rafah đòi hỏi việc sơ tán dân thường khỏi khu vực diễn ra giao tranh”.
Liên Hợp Quốc cho biết Rafah có dân số trước giao tranh khoảng 280.000 người, và hiện là nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu người chạy trốn chiến sự từ những nơi khác ở khắp khu vực Dải Gaza.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Israel đã ra lệnh cho các quan chức quân sự và an ninh đưa ra “một kế hoạch kết hợp” bao gồm việc sơ tán người dân thường trên diện rộng và đồng thời tiêu diệt lực lượng Hamas. Ông khẳng định Israel tìm kiếm một “chiến thắng toàn diện”, trong đó bao gồm việc phá hủy khả năng quản lý và quân sự của Hamas, đồng thời đưa tất cả con tin về nhà. Thông báo này được đưa ra 2 ngày sau khi ông Netanyahu phản đối kế hoạch ngừng bắn của Hamas – kế hoạch bị ông chỉ trích là “hoang tưởng”
Tuy nhiên, động thái này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả chính phủ Mỹ.
Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định cách hành xử của Israel trong cuộc giao tranh là "quá mức”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trong cùng ngày khẳng định việc tiến hành một cuộc tấn công “không có kế hoạch và thiếu suy nghĩ trong một khu vực có hàng triệu người trú ẩn sẽ là một thảm họa”. Trong khi đó, John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah “không phải là điều chúng tôi sẽ ủng hộ”.
Ngoài chính phủ Mỹ, chính phủ Ai Cập cũng bày tỏ sự phản đối khi đưa ra lời cảnh cáo bất kỳ việc di chuyển nào của người Palestine qua biên giới vào Ai Cập sẽ đe dọa đến hiệp ước hòa bình kéo dài 4 thập kỷ giữa Israel và Ai Cập.
Bất chấp các áp lực gia tăng, các chiến dịch tấn công của Israel vẫn đang tiếp diễn ở Khan Younis và thậm chí đã mở rộng tới Rafah. Các phương tiện truyền thông của lực lượng Hamas cho biết quân đội Israel tiến hành không kích 2 tòa nhà dân cư tại Rafah đêm ngày 9/2.
Tính tới hiện tại, các cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel đã khiến 27.947 người Palestine thiệt mạng, hơn 67.000 người bị thương, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải di tản khỏi nhà của mình trong khi nhiều nơi rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo với tình trạng thiếu lương thực và dịch vụ y tế.