Chia sẻ tại họp báo giữa kỳ năm 2024 của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) diễn ra sáng 17/10, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, Việt Nam là đối tác hàng đầu của JICA.
Trong năm tài khoá của Nhật Bản từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, JICA Việt Nam đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỷ Yên (tương đương 678 triệu USD) - chưa bao gồm các khoản tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân, và đây là mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỷ Yên (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khoá. Viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỷ Yên (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết.
"Người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững,” Trưởng đại diện JICA Việt Nam, ông Sugano Yuichi bày tỏ
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Ba trụ cột trọng điểm hợp tác
Thông tin cụ thể về các dự án trong vòng một năm qua của JICA tại Việt Nam, ông Sugano Yuichi chia sẻ rằng, các dự án đều xoay quanh 3 trụ cột trọng điểm gồm: tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực.
Ví dụ với trụ cột về "tăng trưởng chất lượng cao" là dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở TP HCM. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay, đã khánh thành vào tháng 8 vừa qua. Đây là nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại và được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước, một vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TP HCM (giai đoạn 2) do JICA tài trợ vào ngày 30/8 vừa qua. Nguồn: JICA Việt Nam. |
Ngoài nhà máy Bình Hưng, JICA cũng đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP HCM đã bắt đầu chạy thử và TP HCM đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác.
“JICA hi vọng rằng tuyến metro số 1 TP HCM sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông,” ông Sugano Yuichi nói.
Với trụ cột “phát triển nguồn nhân lực”, năm 2024 đánh dấu 10 năm thành lập Đại học Việt Nhật. Trường hiện có 1.110 sinh viên đang theo học, bao gồm sinh viên hệ cao học. JICA cũng đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên nhằm cung cấp một cách tổng quan về lịch sử quan hệ Nhật Bản - Việt Nam. Dự kiến sách sẽ sớm được xuất bản.
Đối với trụ cột về "hỗ trợ đối tượng bị tổn thương", JICA đã phối hợp với các chuyên gia cao cấp, cố vấn về quản lý rủi ro thiên tai hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ứng phó với siêu bão Yagi vừa đổ bộ vào khu vực phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sau khi bão đổ bộ, JICA đã cung cấp hàng hóa viện trợ khẩn cấp bao gồm máy lọc nước và tấm trải nhựa cho 2000 hộ dân ở tỉnh Yên Bái, một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Cùng với đó, trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực giảm rủi ro lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, mô hình đập Sabo được khởi công xây dựng từ tháng 9/2024 tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro sạt lở đất tại các khu vực có rủi ro cao.
Cũng tại tỉnh Sơn La, JICA đang xây dựng kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất, và cân nhắc việc triển khai xây dựng kế hoạch tương tự ở các khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua, hướng tới mục tiêu “xây dựng lại tốt hơn” để tăng trưởng kinh tế không bị đình trệ bởi thiên tai.
Mô phỏng đập Sabo thí điểm tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nguồn: JICA Việt Nam. |
Đặc biệt, tháng 6/2023, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Điều lệ Hợp tác phát triển, lấy an ninh con người làm nguyên tắc chủ đạo, làm nền tảng trong mọi hoạt động hợp tác phát triển của Nhật Bản.
Chia sẻ với Mekong ASEAN về những hành động, nỗ lực của JICA để đảm bảo nguyên tắc này trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho hay, trước khi sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển vào năm ngoái, JICA đã xác định sứ mệnh của mình là hiện thực hóa an ninh con người và tăng trưởng chất lượng cao.
Một ví dụ thực tiễn tại Việt Nam là hợp tác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, lĩnh vực quan trọng trong trụ cột “hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương” của JICA.
Theo ông Sugano Yuichi, đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai tại các vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam là một nỗ lực của JICA nhằm bảo vệ người dân trước “nỗi lo sợ” thiên tai.
Nỗ lực này được thể hiện qua các dự án điển hình như: dự án "khảo sát nghiên cứu quy hoạch tổng thể kiểm soát lũ ở khu vực miền Trung", giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất thông qua dự án "xây dựng thử nghiệm các công trình chống xói mòn ở khu vực phía Bắc", dự án "xây dựng các cửa ngăn nước để giảm thiệt hại do xâm ngập mặn do nước biển dâng ở phía Nam đồng bằng sông Cửu Long"...
"Ngoài ra, từ góc độ hợp tác để hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, chúng tôi cũng đang thực hiện một số dự án như: Dự án 'cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân ở những vùng bị ô nhiễm nặng bởi chất độc màu da cam và dioxin' ở tỉnh Bình Định, dự án 'xây dựng hệ thống luyện giọng nói và mở lớp luyện giọng nói bằng thực quản cho bệnh nhân sau phẫu thuật thanh quản' tại TP HCM. Chúng tôi hướng tới hiện thực hoá an ninh con người tại nhiều khu vực và cho nhiều đối tượng khác nhau" |
Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam |
Trả lời báo chí về một số nội dung liên quan đến dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, ông Sugano Yuichi cho biết: "Chúng tôi được biết Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch cụ thể để trình Quốc hội. Các cuộc làm việc của chúng tôi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thời gian qua cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan. Chúng tôi đang mong chờ kết quả thảo luận tại Quốc hội về dự án. Dựa trên kết quả đó, JICA sẽ có những quan tâm cụ thể với dự án này". Chia sẻ thêm về dự án đang thu hút nhiều sự quan tâm này, ông Sugano Yuichi gợi ý, Việt Nam hiện có nhiều sự lựa chọn như: phát triển đường sắt cao tốc vừa vận tải hành khách, vừa chở hàng hóa; hoặc phát triển đường sắt cao tốc để chuyên chở khách, còn hàng hóa thì tận dụng đường sắt truyền thống,... "Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ đưa ra," ông Sugano Yuichi nói. |