Mekong ASEAN ghi nhận ngày 9/4, kênh YouTube Mixi Gaming với 7,3 triệu lượt theo dõi của streamer nổi tiếng Độ Mixi tiếp tục bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát, đổi tên thành công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Không chỉ tên kênh mà ảnh đại diện, ảnh bìa của kênh cũng đều được thay đổi hoàn toàn. Các video trên kênh đã được thay thế bằng những video có nội dung về tên lửa, du hành không gian. Thậm chí kênh này cũng phát livestream xem nhật thực với số người xem trực tiếp lên tới hơn 800 người ngay khi mới phát.
Hiện tại, kênh YouTube của streamer Độ Mixi đã được thay đổi ảnh đại diện, tên kênh về như cũ nhưng không còn video nào hiển thị trên trang.
Trước đó, ngày 2/4, kênh này cũng bị tấn công, chiếm quyền điểu khiển và đổi tên kênh thành "Ripple" để livestream dự án tiền số.
Trong một video chia sẻ về sự cố này trên kênh YouTube, Độ Mixi cho biết, phần lớn nguyên nhân dẫn đến sự cố này là do anh đã sơ suất để tin tặc lừa cài mã độc trên máy tính cá nhân thông qua một e-mail giả mạo thư mời hợp tác của nhà phát hành Black Myth: Wukong - một tựa game lấy cảm hứng từ tác phẩm Tây Du Ký, từng tạo nên cơn sốt trong giới game thủ khi tung ra những video đầu tiên.
Theo chia sẻ của streamer này, thủ đoạn của tin tặc rất tinh vi khi mạo danh nhà phát hành game, biên soạn nội dung e-mail rất bài bản, trả lời các thắc mắc của streamer này rất tận tình cũng như cung cấp những thông tin trông rất "uy tín" để truy cập sớm vào game.
Do đó, ngay sau khi thực hiện hàng loạt thao tác theo hướng dẫn của tin tặc để cài đặt ứng dụng, streamer Độ Mixi bất ngờ nhận được hàng loạt e-mail từ Google với thông báo về việc thay đổi các thông tin trên tài khoản của anh như mật khẩu, số điện thoại, thiết bị đăng nhập...
Không riêng streamer Độ Mixi, cùng ngày 2/4, kênh YouTube Quang Linh Vlog với hơn 2,8 triệu người theo dõi cũng bị đổi thành dự án tiền số tương tự.
Tấn công lừa đảo (Phishing) là loại hình tấn công mạng mà trong đó, tội phạm cố lấy thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như tên người dùng, mật khẩu và dữ liệu tài chính bằng cách giả dạng thành chủ thể đáng tin cậy. Các cuộc tấn công này thường liên quan đến việc sử dụng e-mail, tin nhắn văn bản hoặc trang web lừa đảo được thiết kế để lừa người nhận tiết lộ thông tin.
Giới chuyên gia nhận định, tội phạm mạng ngày càng biết cách lợi dụng tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo tân tiến để tìm ra những cách tấn công mới hiệu quả hơn.
Chia sẻ với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7/2023, ông Sami Khoury, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Canada cho biết, cơ quan của ông phát hiện trí tuệ nhân tạo (AI) đang bị lợi dụng để tạo mã độc, soạn e-mail lừa đảo, phát tán tin sai sự thật trên mạng.
Tháng 3/2023, công ty an ninh mạng Darktrace của Anh đã đưa ra cảnh báo về công cụ ChatGPT có thể góp phần làm gia tăng tình trạng giả mạo e-mail để lừa đảo trên không gian mạng.
Tin tặc có thể lợi dụng ChatGPT để soạn thảo các e-mail lừa đảo giống như thật mà không mắc lỗi chính tả, nhằm khuyến khích người dùng chia sẻ mật khẩu hoặc dữ liệu cá nhân như thông tin tài khoản ngân hàng.