Doanh thu quý 3/2024 của Hải Phát đạt 428,66 tỷ đồng, tăng 42,34% so với quý 3/2024. Ảnh: Kiều Chinh |
Cổ phiếu HPX mở cửa phiên 28/10 tăng hơn 2,2% từ ATO. Đà tăng nhanh chóng được củng cố khi chỉ sau khoảng 20 phút giao dịch, HPX tăng kịch biên độ lên 4.810 đồng/CP. Tính đến 9h30 sáng, HPX tăng trần trắng bên bán, với hơn 4,2 triệu đơn vị được kê mua giá trần.
Nếu duy trì đà tăng có đến hết phiên, đây mới chỉ là phiên tăng điểm thứ 4 trong 10 phiên gần nhất của HPX. Trước đó, vào phiên 25/10, HPX giảm gần 2% về còn 4.500 đồng/CP – mức thấp nhất của cổ phiếu HPX trong hơn 1 năm trở lại đây.
Trên thị trường chứng khoán, HPX từng có nhịp tăng mạnh khi đi từ vùng giá 4.000 đồng/CP lên vào đầu tháng 7/2023 lên vượt ngưỡng 8.000 đồng/CP vào hạ tuần tháng 3/2024. Tuy nhiên, thị giá HPX liên tục suy giảm từ đó đến nay.
Cổ phiếu HPX bật trần trong bối cảnh Hải Phát vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với kết quả kinh doanh tích cực.
Diễn biến của cổ phiếu HPX từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: SSI Iboard |
Cụ thể, doanh thu của Hải Phát đạt 428,66 tỷ đồng, tăng 42,34% so với quý 3/2024. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 21% lên 35,2%, dẫn đến lợi nhuận gộp thu về trong kỳ tăng 136% lên 151 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của HPX đạt 11,3 tỷ đồng so với khoản lỗ 623 tỷ đồng của quý 3/2023. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 164% lên 105,5 tỷ đồng, bao gồm 33 tỷ đồng lãi vay và 73 tỷ đồng chi phí tài chính khác. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt 27 tỷ đồng và 13,3 tỷ đồng.
Trừ đi thuế phí, Hải Phát báo lãi sau thuế đạt 12 tỷ đồng, tăng 177% so với kết quả quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hải Phát ghi nhận 1.084 tỷ đồng doanh thu, 59 tỷ đồng sau thuế, giảm lần lượt 9,4% và 4,1% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 966 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ, với 241 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động; 202,6 tỷ đồng tăng, giảm các khoản phải thu; 309 tỷ đồng tăng, giảm hàng tồn kho…
Trong khi đó, dòng tiền đầu tư âm 502 tỷ đồng so với số dương 128 tỷ đồng của cùng kỳ. Công ty ghi nhận 161 tỷ đồng tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, 118 tỷ đồng tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Hải Phát đã chi ra 783 tỷ đồng để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác.
Giảm mạnh nợ vay tài chính
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ phải trả của Hải Phát đạt 4.471 tỷ đồng giảm 5,05% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên 1.089 tỷ đồng, đây là số dư các khoản thanh toán theo tiến độ từ các khách hàng ký hợp đồng mua bất động sản tại dự án Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Yên và các dự án khác của công ty.
Đáng chú ý, tổng nợ vay tài chính của Hải Phát giảm 19% so với đầu năm về còn 1.997 tỷ đồng, với 1.345 tỷ đồng vay ngắn hạn và 652 tỷ đồng vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu giảm 19,5% về còn 1.200 tỷ đồng.