Khai mạc Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII

HĐND Hải Dương
20:28 - 07/12/2022
Khai mạc Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 7/12, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII đã khai mạc Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Theo kế hoạch, kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 7 - 8/12.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, kỳ họp cuối năm có khối lượng công việc rất lớn. Theo đó, trong 2 ngày làm việc, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra của kế hoạch 5 năm.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biểu khai mạc kỳ họp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biểu khai mạc kỳ họp.

Cùng với đó, thảo luận và đánh giá về tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022 và phương hướng, biện pháp cân đối ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện và phương án điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022, kế hoạch đầu tư công năm 2023, phương án phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025...

Để hoàn thành có chất lượng các nội dung đề ra, Phó Chủ tịch HĐND Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua; tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Đồng thời đánh giá, dự báo chính xác tình hình trong thời gian tới để xem xét, quyết định các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, phương án điều chỉnh đầu tư công cho năm 2023 và trung hạn 2021 - 2025, kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm 2023-2025.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét quyết định một số một số chủ trương chính sách quan trọng làm cơ sở pháp lý để các cấp các ngành tổ chức triển khai thực hiện…

Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; kinh tế có sự phục hồi khá, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và dự kiến đạt và vượt 9/16 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9%; thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 21.100 (tăng 3,4% so với năm 2021); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 186 triệu đồng/ha.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các địa phương chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 (là 1 trong 5/63 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới).

Đến hết năm 2022, dự kiến có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 33,1%; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 7,9% (kế hoạc năm 6,2%). Tính đến nay, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 128 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản báo cáo tại kỳ họp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản báo cáo tại kỳ họp.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng được phục hồi và hoạt động ổn định. Ước tổng giá trị sản xuất (giá năm 2010) đạt 330.100 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 309.400 tỷ đồng, tăng 11,9%.

Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá năm 2010) ước đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 87.200 tỷ đồng, tăng 14,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng 2,7% so với bình quân chung năm trước. Ước đón và phục vụ khoảng 1.231.000 lượt khách du lịch, tăng gần 90 lần so với năm 2021 (trong đó có 50.600 lượt khách quốc tế, tăng 29,8 lần). Doanh thu du lịch ước đạt 573,7 tỷ đồng, tăng 47,8 lần.

Năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 345,5 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2021, trong đó cấp mới 16 dự án với tổng vốn đăng ký 41,4 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 31 lượt dự án với số vốn tăng thêm 299,5 triệu USD.. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 19.300 tỷ đồng, tăng 30,4% so với dự toán năm.

Các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; thực hiện tốt công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đảm an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, người nghèo, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn nhiều tồn tại, hạn chế được nêu lên như: Giá nhiều hàng hóa đầu vào và nhu yếu phẩm tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất; hệ thống hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; công tác lập Quy hoạch tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra; thu hút đầu tư trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn.

Các dự án khu dân cư, khu đô thị chậm tiến độ theo quy định; việc tuyển dụng giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non không đạt chỉ tiêu đề ra; một số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; ngành y tế gặp nhiều khó khăn nhưng chậm được tháo gỡ; cải cách hành chính tuy có chuyển biến tích cực, nhưng chưa có sự đột phá trong một số lĩnh vực; vẫn còn một số cuộc thanh tra kéo dài thời gian so với quy định…

Năm 2023, tỉnh Hải Dương đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, sáng tạo, phát triển kinh tế số. Xây dựng ngành nông nghiệp phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại văn minh. Tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bứt phá về giá trị và xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại, tạo nền tảng phát triển theo hướng “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”.

Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”…

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Hải Dương sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Ban hành quy định một số nội dung và định mức chi cho các đối tượng thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Nghị quyết về việc tăng chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh năm 2023 cho các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Sở Y tế; Nghị quyết về Quy định mức thu học phí và danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh…

Tin liên quan

Đọc tiếp