Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu lọt top 20 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số

số hóa Khánh Hòa
20:25 - 10/10/2022
Khánh Hòa hướng đến nhiệm vụ cụ thể là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Khánh Hòa hướng đến nhiệm vụ cụ thể là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm hỗ trợ Khánh Hòa sớm hoàn thành mục tiêu 80% doanh nghiệp chuyển dịch lên nền tảng số vào năm 2025 và các mục tiêu xa hơn 2030, Bộ KH&ĐT và các chuyên gia đã có nhiều khuyến nghị về giải pháp cho tỉnh duyên hải này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Khánh Hòa đã ban hành nhiều Nghị quyết triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Khóa đào tạo tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa”, ngày 10/10, bà Nguyễn Thị Hà, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhu cầu của các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang các phương thức dựa trên các nền tảng số đang trở nên cấp thiết.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 1.578 doanh nghiệp, nâng tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lên 24.901 doanh nghiệp.

Theo bà Hà thông tin, tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Các nhiệm vụ cụ thể là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa hoàn thành cơ bản chuyển đổi số về xây dựng đô thị thông minh, thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số, tiếp tục duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu đề ra trong giai đoạn sau.

Trong đó, phấn đấu 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng thông rộng cáp quang, mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền đạt trên 80%.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết, việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn còn chậm bởi nhiều thách thức.

“Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số khi vẫn cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí, lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ, lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh. Đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm.

Tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa”. Ảnh: MPI.

Tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa”. Ảnh: MPI.

Nhiều giải pháp hỗ trợ Khánh Hòa chuyển đổi số

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là một cách thức hữu hiệu để giúp doanh nghiệp đổi mới, thích ứng với tình hình mới, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên chuyển đổi số như thế nào để cho hiệu quả và phù hợp với doanh nghiệp lại là một bài toán khó.

Từ đầu năm 2021 đến nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật của USAID thông qua Dự án LinkSME, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có các doanh nghiệp Khánh Hòa. Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp về chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động từ đại dịch Covid-19.

Bà Hương nhận định, trong hơn 1 năm vừa qua, từ khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, định hướng về thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp đã nhìn thấy sự chuyển biến tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung”.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương

Tại buổi tập huấn, chuyên gia của chương trình cũng đã giới thiệu với các doanh nghiệp Khánh Hòa tổng quan về chuyển đổi số và ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các xu hướng công nghệ của chuyển đổi số cũng được chia sẻ.

Các chuyên gia hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và chia sẻ lộ trình, các ví dụ thực tiễn về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Chia sẻ về cơ hội thúc đẩy tiêu thụ nông sản, chuyên gia của Công ty TNHH Grab cho biết doanh nghiệp và người nông dân cần áp dụng chuyển đổi số để việc trồng trọt và kinh doanh song hành với quá trình liên kết tiêu thụ nông sản, tránh việc “được mùa, mất giá”.

Grab mong muốn thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác rộng lớn của mình có thể kết nối các địa phương trong tiêu thụ trái cây, nông sản và các sản vật địa phương để tìm được đầu ra cho nông sản một cách hiệu quả hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng một cách đầy đủ và an toàn.

Trong khi đó, chuyên gia đến từ CTCP Công nghệ du lịch Gotadi cũng chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong ngành du lịch, dịch vụ và nhấn mạnh ngành du lịch cần phải đón đầu công nghệ để phát triển trong thời gian tới.

Trong tháng 10, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 đã tăng cường thêm nhiều hoạt động như:

Cục Phát triển Doanh nghiệp phối hợp với các địa phương như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME để tổ chức đào tạo, hướng dẫn triển khai và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh.

Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho hơn 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố, và hàng nghìn doanh nghiệp tiếp cận trực tuyến khác. Đồng thời, cử các đoàn chuyên gia đến các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên toàn quốc để hỗ trợ trực tiếp từ tháng 9/2022, trong khuôn khổ Gói Hỗ trợ xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.