‘Khẩu vị’ của các quỹ đầu tư chứng khoán trong năm 2023

Dragon Capital VINACAPITAL
07:04 - 08/02/2023
‘Khẩu vị’ của các quỹ đầu tư chứng khoán trong năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Sau năm 2022 biến động mạnh, các quỹ đầu tư nhận định thị trường chứng khoán hiện tại đang mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư, tuy nhiên thời kỳ tiền rẻ đã qua nên không phải cứ mua là trúng.

"Chưa bao giờ cảm thấy cơ hội lại lớn như bây giờ"

Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 7/2, ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân A+ mượn câu tục ngữ nổi tiếng của Việt Nam “trong cái khó ló cái khôn”, để nói về việc đầu tư trên thị trường chứng khoán tại thời điểm hiện tại.

Theo ông Hoàng, trong đầu tư, thị trường khó khăn mới tạo ra cơ hội. “Tôi đã về Việt Nam đầu từ khi thị trường chứng khoán mới thành lập và chưa bao giờ cảm thấy cơ hội lại lớn như bây giờ. Thị trường đã thiết lập lại toàn bộ, mức P/E của nhiều doanh nghiệp lớn đã bị đẩy xuống dưới 5,6 và đây là điều khó có thể lặp lại lần nữa”, ông Hoàng cho biết.

Ông Hoàng chia sẻ thêm, Quỹ A+ vừa thực hiện khảo sát đối với nhiều quỹ ngoại ở một số nước Anh, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ... và thấy rằng 100% quỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam (trước đây chỉ 40% quỹ ngoại quan tâm đến Việt Nam). Điều họ quan tâm hiện tại chỉ là đầu tư vào đâu, xuống tiền với ai.

Về chủ đề đầu tư cụ thể, ông Hoàng cho rằng, nếu 2022 và trước đó là xu hướng điện tái tạo thì xu hướng 2023-2024 sẽ là bất động sản du lịch, sản xuất nông nghiệp xuất khẩu, đầu tư công và bán lẻ.

Dựa vào kiến thức để lựa chọn cổ phiếu

Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng, năm 2023 có thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Hiện tại nhiều người mang tâm lý lo sợ vì năm ngoái thua lỗ quá, từ tiền số, bất động sản, chứng khoán... Ai cũng đề phòng rủi ro và điều này đã phản ánh vào giá trị các tài sản. “Nhà đầu tư biết phân tích và tự tin sẽ có cơ hội kiếm tiền tốt trong năm nay”, ông Điền nhận định.

Theo ông Điền, 2020-2021 là thời kỳ tiền rẻ, 2022 xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ bằng tăng lãi suất đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao. Điều này đã thể hiện trong báo cáo tài chính quý 4/2022, thậm chí quý 1/2023 cũng chưa chắc tốt.

Các doanh nghiệp sẽ phục hồi dần dần. Nền kinh tế rất năng động, doanh nghiệp phải tự kiếm cách giải bài toán của mình, Chính phủ cũng sẽ nghĩ cách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tôi tin rằng môi trường lãi suất cao không thể kéo dài lâu.Ông Vũ Hữu Điền

Về chiến lược đầu tư, ông Điền đánh giá những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng từ giai đoạn trước sẽ phục hồi, tăng trưởng tốt trong tương lai. Như ngành vật liệu xây dựng. Sắt thép và vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian trước nhưng các yếu tố như Trung Quốc mở cửa trở lại, đầu tư công đẩy mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu và giá bán.

Hay ngành chứng khoán bị ảnh hưởng nặng thời gian qua do thanh khoản giảm và lỗ danh mục tự doanh, tuy nhiên nếu hệ thống giao dịch KRX được đưa vào sử dụng, áp dụng chu kỳ thanh toán T0, nhiều sản phẩm mới... thì thanh khoản sẽ tăng trở lại.

Ngành ngân hàng cũng được ông Điền chú ý. Hiện nhiều người có phần lo sợ với nhóm ngành này dưới áp lực lạm phát, lãi suất, nợ xấu... Tuy nhiên so sánh với 10 năm trước thì các ngân hàng có sự khác biệt rất lớn, năng lực chống chọi với rủi ro cao.

Từ khẩu vị cá nhân, ông Điền còn gợi mở, nhiều nhà đầu tư đang rất sợ sản phẩm trái phiếu, nhưng nếu có thể mua lại với thời gian ngắn trái phiếu của các công ty uy tín, tăng trưởng bền vững thì mức lãi suất 14-16% là cơ hội sinh lời tốt.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm đầu tư với các F0 (nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường), ông Điền cho biết thị trường chứng khoán trước đây chỉ 80% là nhà đầu tư cá nhân, nhưng thời kỳ Covid con số này đã tăng lên 95%. Các F0 không hiểu nhiều về chứng khoán, tham gia các hội nhóm và nghe theo các thông tin dẫn dắt. Vậy mới có chuyện có công ty định giá chỉ 15.000 tỷ đồng nhưng đã được đẩy lên 200.000 tỷ đồng.

Người kiếm được rất nhiều tiền cho rằng mình may mắn, còn người mất rất nhiều thì nghĩ là mình xui xẻo, nhưng thực chất đó là do lòng tham. Cổ phiếu tăng 5-10 lần trong khi công ty không có chuyển biến lớn về kinh doanh thì thật sự phi lý. Thực tế, có những người tham gia điều tiết “cuộc chơi” ấy đã bị xử lý, công ty cũng trở về giá trị thực.

Đầu tư chứng khoán hiện tại là dựa vào kiến thức để lựa chọn cổ phiếu, chứ không phải theo trào lưu, hội nhóm nữa. Ví dụ ngành bất động sản đang gặp khó, nhưng có nhiều công ty tốt, quỹ đất sạch, pháp lý ổn, giá rẻ, nếu ai phát hiện ra sẽ là người đầu tư thành công trong tương lai.

"Giai đoạn giảm điểm của TTCK Việt Nam đã kết thúc"

Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital Michael Kokalari trong báo cáo cập nhật thị trường ngày 3/3 cũng lạc quan về VN-Index trong năm 2023.

VN-Index đã giảm 33% trong năm 2022, P/E của thị trường giảm từ 20x vào cuối năm 2021 xuống còn 12x vào cuối 2022. Sự sụt giảm của VN-Index bất chấp tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhanh nhất trong 25 năm do 3 yếu tố tác động: Thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu do Fed và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất mạnh mẽ; đồng USD tăng giá gây bất lợi cho các thị trường chứng khoán mới nổi; các vụ việc trong nước liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Michael Kokalari tin rằng giai đoạn giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã kết thúc và có thể kỳ vọng tăng hơn 20% trong năm 2023. Sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái. Đặc biệt, áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt, điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung có thể sớm kết thúc.

Việc niềm tin trở lại thị trường chứng khoán sẽ là một quá trình kéo dài, nhưng định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vững chắc là lời giải thích tại sao nhà đầu tư nước ngoài đổ gần 1,1 tỷ USD vào mua cổ phiếu của Việt Nam trong 2 tháng cuối năm 2022.Ông Michael Kokalari

Về các lĩnh vực đầu tư, VinaCapital đánh giá cao nhóm tiêu dùng trong nước, cơ sở hạ tầng và đầu tư FDI trong năm 2023.

Về tiêu dùng trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đang thúc đẩy sự tăng trưởng chắc chắn về nhu cầu các sản phẩm và dịch vụ mà nhóm người tiêu dùng này mong muốn, sẽ mang lại lợi ích cho các công ty hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Xu hướng này còn mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ tài chính vì nhu cầu về khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng và các sản phẩm tài chính tiêu dùng/ tín dụng tiêu dùng khác tăng lên, cũng như mong muốn về gửi tiết kiệm và sản phẩm đầu tư.

Các công ty hàng không cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu mới nổi nhờ nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của phân khúc khách hàng này. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hàng không.

Cơ sở hạ tầng đã là một chủ đề đầu tư nhất quán của Việt Nam trong nhiều năm. Sự tập trung của Chính phủ trong đầu tư công trong năm nay làm VinaCapital đặc biệt lạc quan về triển vọng của các công ty trong ngành và liên đới, bao gồm cả các công ty vật liệu xây dựng, các công ty hàng không được hưởng lợi từ việc xây dựng sân bay mới.

Dòng vốn FDI là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm gần đây. FDI đã tăng 14% trong năm ngoái và có khả năng tăng trưởng mức độ tương tự trong năm nay khi ngày càng có nhiều nhà máy chuyển từ Trung Quốc hoặc thành lập tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.

Dòng vốn này mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà phát triển khu công nghiệp, cảng biển và nhà phát triển bất động sản với dự án gần các nhà máy tài trợ bởi FDI.

Tin liên quan

Đọc tiếp