Ngày 15/11 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo khởi động dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn (Dự án IEEP).
Toàn cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, ông Phương Hoàng Kim, Giám đốc Ban quản lý dự án, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ Việt Nam nhận được sự hỗ trợ đáng kể và hiệu quả từ nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, UNIDO, các chính phủ Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua những gói hỗ trợ về tài chính cũng như việc chuyển giao những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng ở các nước phát triển.
"Việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án IEEP thể hiện nỗ lực của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính, cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống một cách rộng khắp trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam", ông Kim cho hay.
“Dự án IEEP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc”
Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ, đây là một cách tiếp cận rất tổng quát và có chiều sâu về mặt chuyên môn.
Đại diện UNIDO tại Việt Nam bày tỏ kỳ vọng rằng, sau khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng kết hợp với tối ưu hóa hệ thống cũng như đóng góp một phần vào các mục tiêu chung đặt ra của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) đến năm 2025 và quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua khuôn khổ JETP.
“Việc áp dụng các biện pháp quản lý năng lượng và chuyển đổi năng lượng là một giải pháp chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và ngành công nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, tuần hoàn; Tạo cơ hội thu hút đầu tư và công nghệ hiện đại; Tạo việc làm xanh, góp phần chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”
Tại Việt Nam, Dự án IEEP không chỉ góp phần vào các mục tiêu của VNEEP3 và JETP, trong bối cảnh các yêu cầu về giảm phát thải trong các hoạt động công nghiệp, đặc biệt trong các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng trở nên bắt buộc như: Cơ chế Điều chỉnh Biên giới carbon (CBAM) của EU, hay dự thảo Chỉ thị về Trách nhiệm tra soát tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD), sẽ tiến tới yêu cầu các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phi carbon các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các ngành thâm dụng nhiều năng lượng.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày mục tiêu, kết quả dự kiến của dự án, các hợp phần, kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các bên; Thực trạng áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 tại Việt Nam; Giới thiệu về các nguồn tài chính hỗ trợ các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng...
Việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 tại Việt Nam được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2011 thông qua dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”. Đến nay đã có 74 đơn vị đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001.
ISO 50001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng do Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Mục đích của tiêu chuẩn quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng. Việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này nhằm hướng tới sự giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống.
Tại cuộc Hội thảo khởi động dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức cũng như đưa ra những khuyến nghị trong việc triển khai thực hiện hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Về định hướng hoạt động sắp tới, ông Phương Hoàng Kim khẳng định, dự án sẽ tổ chức nhiều sự kiện như các hội thảo nâng cao và các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống cho các chuyên gia trong nước và doanh nghiệp công nghiệp tại một số tỉnh/thành trong cả nước.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo khởi động, ban quản lý dự án sẽ hoàn thiện và cập nhật kế hoạch hành động/kế hoạch thực hiện dự án.
Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (IEEP) là một hợp phần thuộc chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SEPT) do EU) tài trợ, được thực hiện bởi UNIDO và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong thời gian 5 năm (2023-2027).
Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt được kết quả sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải carbon cũng như nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Dự án gồm 3 hợp phần chính: Tăng cường khung thể chế và chính sách; Thực hiện các chương trình xây dựng và nâng cao năng lực; Thực hiện các dự án về hiệu quả tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa hệ thống, tập trung vào 10 ngành mục tiêu gồm: giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất hóa chất và phân bón, chế biến cao su, luyện kim và thép, xi măng, nhựa và đồ uống.