Diễn biến phân hoá trên sàn HoSE phiên 13/8. |
VN-Index đóng cửa phiên 13/8 ở mốc 1.230,42 điểm, chỉ tăng nhẹ 0,14 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM lần lượt giảm 0,59 và 0,21 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với hơn 13.300 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại giao dịch hơn 3.500 tỷ đồng và mua ròng 321 tỷ đồng trên sàn HoSE, đánh dấu phiên thứ ba mua ròng liên tiếp. Hai phiên trước, giá trị mua ròng chỉ vài chục tỷ đồng. Mã được mua ròng mạnh nhất là HDB, với 378 tỷ đồng. Phiên hôm qua, cổ phiếu ngân hàng này cũng được nhà đầu tư nước ngoài rót tiền mạnh nhất với giá trị mua ròng hơn 200 tỷ đồng.
Danh sách mua ròng của khối ngoại còn có VNM 152 tỷ đồng, FPT 77 tỷ đồng, CTG 53 tỷ đồng, MWG 48 tỷ đồng, VCB 35 tỷ đồng; TCH, VCI, FRT, DGW trên 20 tỷ đồng... Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất, giá trị 233 tỷ đồng; kế đến là TCB 75 tỷ đồng, NLG 34 tỷ đồng; VHM, SSI, CTR trên 20 tỷ đồng...
VN30 ghi nhận đa số các mã ở chiều giảm, khiến chỉ số chung giảm 2,7 điểm, lùi về mốc 1.268,72 điểm. Giảm mạnh nhất là SSB -2,1%, HPG -1,7%, POW -1,5%, GAS -1,2%, TCB -1,2%, VIB -1,2%... Chiều tăng có VCB, VIC, VJC, VNM, VRE, SAB, MWG, HDB, CTG. Trong đó, VCB - với vai trò là mã vốn hoá lớn nhất thị trường có đóng góp lớn nhất trong việc giữ thế cân bằng cho chỉ số khi tăng gần 2%.
Sự tích cực của VCB cũng là yếu tố chính giúp nhóm ngân hàng giữ được sắc xanh khi kết phiên. Chiều tăng trong nhóm này còn có NAB tăng trần, PGB tăng 2,5%; HDB và ABB, VBB tăng hơn 1%; CTG, LPB, SGB tăng nhẹ.
Cổ phiếu NAB của Nam A Bank diễn biến tích cực sau khi được MSCI Frontier Market Index thêm mới trong kỳ cơ cấu tháng 8/2024. Rổ chỉ số này còn thêm mới BWE, đồng thời loại EVF và NT2.
Với mức tăng trần gần 7%, NAB lập đỉnh lịch sử ở vùng giá 16.200 đồng/cp, tăng hơn 30% so với hồi đầu năm 2024 - thời điểm cổ phiếu chính thức niêm yết trên sàn HoSE.
Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn lên 13.725 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Nam A Bank tăng vốn thêm 3.145 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% và chào bán cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. |
Chiều ngược lại, nhóm tác động tiêu cực nhất đến thị trường là thép và chứng khoán. Tại nhóm thép, HPG giảm 1,7%, lùi về vùng giá 25.400 đồng/cp, giảm 17% so với mức đỉnh ngắn hạn hồi tháng 6/2024. HSG cũng giảm 1,7%, lùi về vùng giá 20.650 đồng/cp - giảm 20% so với hồi đầu tháng 7 vừa qua. Còn NKG giảm 1,9% về giá 20.800 đồng/cp - giảm 23% so với hồi giữa tháng 6.
Cổ phiếu thép đi xuống bất chấp kết quả kinh doanh quý 2/2024 hồi phục mạnh mẽ. Thông tin tiêu cực đối với nhóm ngành này gần đây là ngày 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).
Tại nhóm chứng khoán, chỉ còn vài mã giữ được sắc xanh, gồm APG +3%, HBS +4,9%, MBS +2,3%, VIG +1,5%; HCM và DSC tăng nhẹ. Chiều giảm dẫn đầu là HAC -6,6%, kế đến là CSI -3,5%, TVS -2,5%, VND -2,3%... VIX và SHS giảm hơn 1%; SSI, VCI giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản ghi nhận đa số mã ở chiều tăng. QCG tăng trần, PDR +3,7%, TCH +3,4%, NTL +4,2%, TDC +4,6%, NHA +4,5%, CEO +2,2%, DXG +1,5%; VIC, DIG, SZC, VPI, KOS, NVL, VRE, KDH tăng nhẹ.
Chiều giảm có VHM, IDC, KBC, IJC, SIP giảm nhẹ; HDG -1,9%, NLG -1,5%, DTD -2%.
Các nhóm ngành khác diễn biến phân hoá với tỷ lệ điều chỉnh của các cổ phiếu không lớn. Một số mã tăng mạnh là CSV của nhóm phân bón tăng trần, VGI của nhóm viễn thông tăng 6,6%.
Hai cổ phiếu mới “nhận án” huỷ niêm yết bất ngờ nhận lực cầu lớn, HBC tăng 3,9% còn HNG tăng 4,3%. Theo quyết định của HoSE, hai mã này sẽ chính thức bị huỷ niêm yết vào ngày 6/9 tới.
Một cổ phiếu chứng khoán 'cháy hàng' trước thềm biến động nhân sự và chia cổ tức |
Hai nhóm cổ phiếu được đặt 'ngôi sao hy vọng' trong tháng 8 |
Thêm một cổ phiếu bị HoSE cắt margin |