Sáng 22/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì sẽ đẩy giá xăng cao hơn
Phát biểu tại tổ ĐBQH TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu để đánh vào nhóm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ. Qua đó, Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao hoặc cần định hướng kinh doanh, tiêu dùng, phân phối…
Do vậy, đại biểu kiến nghị cân nhắc xem xét lại xăng có phải mặt hàng xa xỉ để trở thành đối tượng chịu thuế hay không. Theo dự thảo luật, xăng các loại nằm trong danh mục áp thuế suất 10%.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
“Tôi nghĩ rằng mặt hàng xăng hiện nay không phải là mặt hàng xa xỉ để chịu thuế tiêu thụ đặc biệt,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói và đề xuất nên áp dụng cái mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ở mức thấp nhất có thể trong một thời gian nữa cho đến khi Việt Nam có nguồn năng lượng sạch thay thế.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị không quy định xăng là hàng hóa thuộc danh mục áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông cho rằng xăng là nhiên liệu thiết yếu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ hoạt động của các máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
“Xăng cũng tác động rất lớn đến ngành logistic, nhất là trong bối cảnh sức cạnh tranh logistic của Việt Nam hiện còn thấp. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì sẽ đẩy giá xăng cao hơn nữa. Do đó, về mặt xã hội, người lao động, kinh doanh, sản xuất đều ảnh hưởng rất lớn,” đại biểu Hoàng nói.
Các gia đình có “đời sống đủ ăn” là có thể lắp máy điều hòa
Cuộc thảo luận tại tổ 2 cũng “nóng” khi các đại biểu băn khoăn trước việc dự thảo luật quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10%.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, điều hòa nhiệt độ không phải là mặt hàng xa xỉ vì hiện giờ đã trở thành vật dụng sinh hoạt phổ biến mà hầu hết gia đình đều sử dụng.
“Trong bối cảnh điều kiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ nóng lên hiện nay thì các hộ dân cần phải có máy điều hòa. Vậy máy điều hòa có phải là mặt hàng xa xỉ để chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biêt hay không thì cũng phải cân nhắc,” đại biểu lý giải.
Thay vào đó, ông đề nghị rằng nên đưa các mặt hàng túi xách cao cấp, đồng hồ đeo tay sang trọng vào mặt hàng xa xỉ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị đưa điều hòa nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì cho rằng quy định của dự thảo luật có thể “đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về 40-50 năm trước”.
“Cách đây hàng chục năm, mặt hàng này đúng là hàng xa xỉ. Nhưng điều kiện kinh tế hiện nay và trong một nước nhiệt đới như Việt Nam không hiểu sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Theo tôi, chúng ta chỉ nên áp dụng thuế môi trường với mặt hàng này thôi,” đại biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cũng cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ là bất cập, vì hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển, hầu hết các gia đình có “đời sống đủ ăn” là có thể lắp máy điều hòa.
Đại biểu dẫn chứng, vào năm 1998, điều hòa từng bị đưa vào danh mục áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 20%, nhưng đến năm 2008 thấy không hợp lý nên đã hạ xuống 10%. Ông cho rằng lẽ ra dự thảo sửa đổi lần này phải đưa điều hòa ra khỏi danh mục chịu thuế.
"Chưa kể, với điều kiện thời tiết nóng bức như Việt Nam, một giấc ngủ ngon là không thể thiếu máy điều hòa. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc mệt nhọc," ông Hoàng nói: "Lắp máy điều hòa là yêu cầu tất yếu của cuộc sống đối với đông đảo người dân, không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ. Trong khi chúng ta nói đất nước chúng ta phát triển, chúng ta đang có cuộc sống hạnh phúc hơn thì phải tạo điều kiện để người dân có cuộc sống thoải mái hơn".
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết bên cạnh đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảoo, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về việc không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa. Lý do là hiện nay việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây.
Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế, nhóm ý kiến này cho rằng chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC, nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; hoặc cần phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2025 Bộ Tài chính vừa có công văn số 11859 xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2025 theo trình tự rút gọn. |
Hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, rượu bia Với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. |
Băn khoăn việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường Đại biểu Quốc hội băn khoăn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có đảm bảo công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn, trong khi đồ uống pha chế tại chỗ chiếm thị phần lớn như cà phê, trà sữa, nước mía... rất khó đánh thuế. |