Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2022

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
09:17 - 19/05/2022
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) vừa công bố báo cáo tháng 5/2022 với chủ đề “ Cơ hội hiếm có ” dự báo 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới.

Dự báo VN-Index trong tháng 5/2022 chưa hết đà giảm

Tháng 5/2022 VN-Index liên tục điều chỉnh mạnh, giảm 177 điểm (-21% MoM và – 6% YoY), phiên giao dịch lịch sử 13/5 kết thúc ở mức 1,171.95 điểm. Trong bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực tác động tới tâm lý nhà đầu tư như: Bán giải chấp margin trên diện rộng toàn thị trường; cuộc họp tiếp theo của FOMC bàn về việc nâng lãi suất của Mỹ và khó khăn thanh khoản hệ thống khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm bật tăng đã tác động tới thị trường liên tục lao dốc.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/5, VN-Index lấy lại mốc 1240.76 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa thực sự bùng nổ. Tâm lý “chim sợ cành cong” khiến không ít nhà đầu tư hoài nghi về xu hướng hồi phục và vẫn đứng ngoài quan sát.

Ở góc nhìn kỹ thuật, theo EVS dự báo chỉ số VN-Index trong tháng 5/2022 sẽ tiếp tục giảm sâu về vùng 1.172 điểm với biên độ lớn và khối lượng giao dịch giảm dần. Tuy vậy, với việc VN-Index giảm rất sâu trong thời gian ngắn sẽ kích thích dòng tiền thông minh giải ngân vào các cổ phiếu được định giá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) cũng đã cho thấy tín hiệu thị trường đang rơi về vùng quá bán và là tín hiệu cho nhịp giảm sẽ sớm kết thúc. Theo quan điểm của EVS, chỉ số VN-Index có thể sẽ tạo đáy quanh vùng 1.167 điểm nếu xuất hiện lực cầu đủ mạnh và sớm quay lại 'lấp gap' vùng 1.320 điểm trong thời gian tới.

3 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới

Với kịch bản cơ sở, EVS dự đoán VN-Index cuối năm 2022 có thể đạt 1.514 điểm, giảm 150 điểm so với kịch bản cơ sở đưa ra hồi đầu năm, với mức P/E kỳ vọng đạt 14,01 lần (giảm 0,5 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm).

Dù giảm 150 điểm, nhưng EVS vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng toàn thị trường 29,2% trong 6,5 tháng cuối năm là rất hấp dẫn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng danh mục vào nhóm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao (trên 30%) và thị giá đã điều chỉnh sâu thời gian qua.

Với kịch bản tích cực, EVS cho rằng VN-Index có thể đạt mức 1.755 điểm vào cuối năm 2022, tăng 48,5% so với thời điểm hiện tại. Giả định của kịch bản này là Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn vĩ mô, tiếp tục chính sách nới lỏng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất mạnh mẽ cũng như dòng tiền thông minh sớm quay trở lại thị trường.

Trong kịch bản này, P/E 2022 quay về mức 16,43 lần và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đạt mức 27%.

Với kịch bản tiêu cực, EVS dự báo VN-Index 2022 sẽ duy trì ở mức 1.270 điểm (tăng 8,4% so với thời điểm hiện tại) trong trường hợp các yếu tố vĩ mô xấu đi nhanh chóng, các doanh nghiệp doanh nghiệp gặp khó khăn khi đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, nhà đầu tư cá nhân rút tiền ra khỏi thị trường, khối ngoại quay lại bán ròng, P/E quay về vùng 10,36 lần và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chỉ là 22%.

Kỳ vọng cổ phiếu thủy sản và dầu khí dẫn sóng

Cũng trong báo cáo, chuyên gia EVS đưa ra quan điểm lạc quan về cổ phiếu thủy sản và dầu khí sẽ là nhóm ngành tiêu điểm, dẫn dắt thị trường nửa cuối năm 2022.

Về ngành dầu khí, EVS đánh giá, giá dầu và giá khí neo cao là động lực tăng trưởng cho toàn ngành

Theo EVS, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc chiến Nga–Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Giá dầu Brent và giá Khí thiên nhiên đạt mốc cao nhất kể từ tháng 7/2008 (139.13 USD/thùng và 5.08 USD/mmbtu trong tháng 4/2022). Trong khi Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm về dầu và khí top đầu thế giới, do đó dấy lên những lo ngại về các biện pháp trừng phạt có thể khiến cho nguồn cung bị gián đoạn.

Cũng do ảnh hưởng cuộc chiến, giá than nhập khẩu hiện đang ở mức cao kỷ lục khiến cho các nhà máy nhiệt điện có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, các nhà máy này hiện chỉ tích trữ đủ 76.8% nguồn nguyên liệu đầu vào cùng hiện tượng La Nina khiến thủy điện có lợi dẫn tới việc công suất hoạt động các nhà máy nhiệt điện thấp hơn dự kiến.

Do đó, khi các yếu tố thời tiết bất lợi giảm dần, nguồn điện khí có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ nhiệt điện than nhờ nguồn cung dồi dào, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ khí khô trong nước, EVS Research nhận định.

Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng cho thấy Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện khí để đa dạng nguồn điện năng và giảm phát thải. Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án khu phức hợp năng lượng LNG và trong đó dự án đầu tiên là cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào Q4/2022.

Về ngành thủy sản, theo EVS, kết quả kinh doanh quý 1 tích cực là yếu tố tác động mạnh đến triển vọng cổ phiếu ngành này.

Cụ thể, kết thúc quý 1/2022, các doanh nghiệp ngành thủy sản và đặc biệt là nhóm sản xuất Cá tra cho thấy kết quả kinh doanh ấn tượng. Các doanh nghiệp đầu ngành như VHC (doanh thu tăng 83% , lợi nhuận tăng 318%), ANV ( doanh thu tăng 73%, lợi nhuận tăng 224% ) đều cho thấy mức tăng trưởng kết quả kinh doanh mạnh mẽ, phản ánh ngành cá tra chính thức bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cá tra liên tục lập đỉnh trong 4 tháng đầu năm (trung bình mỗi tháng tăng 50%) khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ hay Châu Âu liên tục tăng cao khi đây là khu vực mà đã mở cửa lại các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP, nguồn cung trong nước có thể sẽ quay trở lại vào cuối Q2/2022, khi người dân ĐBSCL quay trở lại nuôi trồng cá giống nhiều hơn, giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Ngoài ra, với việc cuộc chiến giữa Nga - Ukraine vẫn còn rất phức tạp, các lệnh trừng phạt với Nga có thể sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cá tra Việt Nam khi Nga vẫn cũng cấp tới 4.5 – 5.8 tỷ USD kim ngạch thủy sản. Trong khi đó, kỳ vọng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ được giảm bớt và hướng tới mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu tại thị trường đông dân nhất thế giới tạo ra một cu huých cho giá xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, EVS Research nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.