Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị. Ảnh: VGP |
Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Một vấn đề các doanh nghiệp FDI rất quan tâm là việc phát triển năng lượng tái tạo nhằm thực hiện lộ trình trung hoà carbon được chính các doanh nghiệp cam kết khi đầu tư vào Việt Nam.
Để thực hiện cam kết này cũng như trách nhiệm với hành tinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam Preben Elnef bày tỏ:
Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài - những người cam kết giảm lượng khí thải carbon và muốn đầu tư để bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chất thải hoặc xây dựng trung hòa carbon luôn mong muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông Preben Elnef cũng kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ các công ty đầu tư vào năng lượng xanh cho tiêu dùng của riêng họ.
"Tại Tập đoàn LEGO, chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh hơn và sạch hơn. Sự chuyển đổi này sẽ bắt đầu từ nhà máy tại Việt Nam và tiến tới tất cả các nhà máy của Tập đoàn LEGO, nơi cũng sẽ trở thành nhà máy trung hòa carbon trong tương lai".
Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam Preben Elnef
Đồng tình với yêu cầu này, ông Hans Kerstens, Trưởng Quản lý các khu công nghiệp DEEP C cho rằng, để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Deep C kiến nghị Chính phủ nên tạo điều kiện cho các khu công nghiệp triển khai các sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo, từng bước thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.
Hiện nhiều tỉnh vẫn chưa cho phép các khu công nghiệp thành lập các công ty phân phối năng lượng của riêng mình, nên rất cần một hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này.
Ông Hans Kerstens, Trưởng Quản lý các Khu công nghiệp Deep C nêu khuyến nghị tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Ngoài các dự án điện mặt trời áp mái, năng lượng gió đang triển khai, DEEP C cũng tích cực trao đổi với các đối tác về khả năng hợp tác kết nối từ các dự án điện gió đại dương, lưu trữ điện, sinh khối, LNG, sản xuất điện mặt trời trên các bãi chôn lấp kín.
DEEP C bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong phê duyệt khảo sát, nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án năng lượng mặt trời tại bãi chôn lấp Đình Vũ hiện tại để bổ sung điện cho hoạt động sản xuất và vận hành trong các khu công nghiệp, bao gồm các giải pháp xử lý toàn diện cho bãi chôn lấp gây ô nhiễm, trong đó có xử lý khí thải, nước rỉ rác, đồng thời tối ưu hóa năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Đại diện DEEP C cũng đề xuất phát triển hơn nữa mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ đầy đủ về khung pháp lý để hiện thực hóa các sáng kiến, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện; các chính sách, ưu đãi thiết thực cho mô hình khu công nghiệp sinh thái cũng cần được xem xét, tạo động lực cho nhiều khu công nghiệp tham gia vào cuộc cách mạng này.
Các doanh nghiệp FDI cam kết đồng hành cùng Chính phủ thực hiện lộ trình trung hòa carbon
Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) khẳng định:
"Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải CO2 xuống 0% vào năm 2050. Sojitz đang xây dựng nhà máy điện chu trình hỗn hợp nhiên liệu Sơn Mỹ 1-LNG và các dự án Kinh doanh phân phối khí để giảm phụ thuộc vào than đá. Đồng thời, chúng tôi đang tham gia vào sản xuất điện mặt trời áp mái để xây dựng những nhà máy thân thiện với môi trường, khu công nghiệp thông minh góp phần giảm phát thải CO2".
Ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES, cho biết: "AES đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam trong 12 năm nay và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam".
Tập đoàn AES đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc chuyển đổi này như hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tích hợp nhiều nguồn năng lượng như mặt trời, gió và năng lượng phân tán hơn.
Ông Joseph Frank Uddo III khẳng định BESS có thể giải quyết tất cả những vấn đề về sự mất cân đối cung - cầu giữa các vùng miền này ngay thời điểm hiện nay, đảm bảo sự ổn định của lưới điện và đóng vai trò chính trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050.
Ông Joseph Frank Uddo III, Chủ tịch Tập đoàn AES. Ảnh: VGP |
AES đề xuất Việt Nam nên lập kế hoạch phát triển thêm Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) từ nay đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, cũng cần có các chính sách mở đường cho việc phát triển BESS và hỗ trợ một vài dự án quy mô tương đối để có thể chứng minh giá trị của BESS đối với các đơn vị vận hành lưới điện tại Việt Nam.
Tập đoàn cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ với các dự án khí đốt tự nhiên, pin lưu trữ và năng lượng tái tạo như dự án năng lượng Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II tại tỉnh Bình Thuận.
"Ngoài ra, chúng tôi hy vọng rằng công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam sẽ giúp đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xem xét phê duyệt cho các dự án năng lượng hiện tại và tương lai nói chung và dự án điện tái tạo nói riêng", ông Joseph Frank Uddo II nói.
Sớm ban hành quy hoạch điện VIII
Để các doanh nghiệp FDI có thể tham gia tích cực hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) nêu một số đề xuất về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững.
Trong lĩnh vực năng lượng, ông Michael Michalak đề xuất Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
Phó Chủ tịch cấp cao USABC đánh giá Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hoà carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Do vậy, Chính phủ cần sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).