Kiến tạo cơ chế đặc thù cho Đồng bằng sông Hồng trong đổi mới sáng tạo

KHỞI NGHIỆP Nam Định
18:42 - 11/05/2023
Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng chiều 11/5.
Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng chiều 11/5.
0:00 / 0:00
0:00
Đặt câu hỏi tại sao Chính phủ không phải là một nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley cho rằng cần có những chính sách mới thành lập quỹ hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp.

Chiều 11/5, Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng lần đầu tiên đã diễn ra tại Nam Định.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, khẳng định, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở.

Để phát triển hệ sinh thái vùng Đồng bằng Sông Hồng, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, thứ nhất cần ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, Thứ trưởng Bộ KH&CN đề cập tới sự cần thiết thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước vào vùng Đồng bằng sông Hồng, trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, việc có những cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng là hết sức quan trọng. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu ví dụ như việc thử nghiệm trong môi trường thực tế trong nhóm ngành, lĩnh vực mới như ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo, thiết bị không người lái.

"Những ưu đãi mạnh mẽ về thuế, đất đai, ưu tiên trong cung ứng dịch vụ công, xác nhận, công nhận các sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư mạo hiểm, ... đều là những nhu cầu hết sức thực tiễn mà chúng tôi đã thấy từ cộng đồng, vậy chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp như vậy”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng

Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, Bộ KH&CN cam kết sẽ thực sự sẻ chia, tiếp thu những kiến nghị, nhu cầu, mong muốn thực tiễn từ cộng đồng để từ đó, cùng có những giải pháp thiết thực để “khai mở, kiến tạo” những tiềm năng khu vực Đồng bằng Sông Hồng”.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để xây được mô hình kinh doanh đáp ứng được 3 yếu tố, thứ nhất là có khả năng có lãi, thứ hai là lặp đi lặp lại và có khả năng tăng trưởng. Các mô hình đáp ứng được 3 yếu tố trên đều có thể thu hút được đầu tư.

“Tại sao Chính phủ không phải là một nhà đầu tư? Ví dụ tại Mỹ, một năm tiền đầu tư mạo hiểm của quốc gia này chỉ chiếm 0,01% GDP nhưng nó đã tạo 21-23% GDP. Hay tại Hàn Quốc cũng có chính sách chú trọng vào đầu tư trực tiếp và coi đấy là nguồn lợi”, bà Lê Anh nói.

Do đó, về mặt chính sách, theo nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley, không nên hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân, mà tài trợ thông qua vườn ươm. Mặt khác, trong trường hợp Nhà nước, bằng cách này hay cách khác, đồng hành cùng các nhà đầu tư thiên thần, các chủ vườn ươm, thành lập ra một quỹ do tư nhân quản lý. Chính các nhà đầu tư thiên thần sẽ là các cố vấn để giúp thế hệ trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.

"Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn thành lập ra các quỹ, vừa giúp các doanh nghiệp lớn được tương tác với công nghệ mới, vừa giúp các doanh nghiệp lớn có sự trẻ, linh hoạt nhất định. Đây cũng là cách làm truyền thông đúng cách cho đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm”.

Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, diễn đàn tập trung vào định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cho lãnh đạo vùng Đồng bằng sông Hồng, trong việc điều hành xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, quốc gia.

Đây cũng là dịp đánh giá thực trạng và nhìn nhận lại thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian vừa qua.

Thông qua diễn đàn, các địa phương có thể kiếm giải pháp liên kết, thu hút các nguồn lực hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương kết hợp giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếp nối Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao về Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao dành cho lãnh đạo 63 tỉnh/thành trong cả nước tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tháng 6/2023.

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện từ năm 2002 dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đến nay, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã phối hợp triển nhiều chương trình hợp tác với tổ chức quốc tế như UNDP Việt Nam, Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu - GEN.

Chương trình đã thu hút và phát triển được mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp tham gia vào chuỗi các hoạt động khởi nghiệp ở 150 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Chương trình phối hợp tổ chức triển khai ở 40 tỉnh/ thành trên toàn quốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.