Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam mời các bạn trẻ Australia dùng thanh long trong sự kiện quảng bá nông sản tháng 9/2021. Ảnh: Bộ Công Thương. |
Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật
Tại diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp" chiều 14/2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan mượn dòng cảm xúc từ tác phẩm “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” của tác giả Nguyễn Phi Vân, một Việt kiều tại Úc để chia sẻ với bà con Việt kiều trên thế giới.
“Qua những phương tiện truyền thông, thông tin, chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi bất kể sự chênh lệch về thời gian và khoảng cách. Thông điệp của Bộ NN&PTNT trong năm 2022 là: Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật. Bộ sẽ mang thông điệp đó mở ra cộng đồng người Việt trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Hoan khẳng định.
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn của những nước sở tại. Việt Nam phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ Việt Nam có. Thế giới cần những gì, như thế nào, những con người của Bộ NN&PTNT sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới.
“Tình yêu nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi. Bà con kiều bào không chỉ có ‘lực’ mà còn có ‘tâm’. Cái tâm đó có thêm nguồn lực và nguồn lực xuất phát từ cái tâm. Tâm của mỗi người Việt xa xứ”.
Dưới cương vị là người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự cảm thấy trách nhiệm lớn lao là cần phải kết nối những tinh hoa, những nguồn lực của bà con kiều bào. Qua đó tìm cách giải quyết việc nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế, trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Israel đã có vị trí vững chắc trên các quầy siêu thị trên thế giới.
“Chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Doanh nhân kiều bào đưa nông sản Việt thâm nhập thị trường quốc tế
Dưới góc nhìn của Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam, ông cho rằng kiều bào dù ở đâu trên toàn thế giới cũng luôn là cầu nối quan trọng để đưa thông tin, tri thức, công nghệ, vốn đầu tư cho phát triển đất nước.
“Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Đóng góp của kiều bào thông qua việc chia sẻ và đưa những công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp”, Thứ trưởng Nam chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam
“Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Úc đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương”.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nam mong muốn bà con kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia "Mỗi làng một sản phẩm" của Việt Nam vì đây là sản phẩm có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn.
“Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu KHCN tân tiến, và là trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, ông Nam khẳng định.
Thông tin đến kiều bào về tình hình nông nghiệp Việt Nam, ông cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng tình với ý kiến của ông Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng nhận định, các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”.
“Một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao”, ông Hiệu phân tích.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu
"Cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”
Lãnh đạo Ngoại giao cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương tăng xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
“Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành Nông nghiệp của ta sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chia sẻ.