Kim ngạch Việt Nam - Malaysia lần đầu đạt gần 8 tỷ USD trong nửa năm

Giao thương MALAYSIA
21:39 - 14/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thương mại song phương giữa Việt Nam – Malaysia đạt 7,8 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên thương mại giữa 2 nước gần chạm đến mốc 8 tỷ USD trong nửa năm.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3 tỷ USD; nhập khẩu hàng hóa đạt 4,8 tỷ USD; tăng lần lượt 42% và 14%.

Malaysia là thị trường cung cấp xăng dầu lớn thứ 2 của Việt Nam

Về nhập khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Malaysia chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp. Trong đó, sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vượt qua mốc hơn 1 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 978 triệu USD).

Về nguyên liệu, Việt Nam nhập khẩu hóa chất từ Malaysia hơn 300 triệu USD, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này.

Nhìn chung các mặt hàng có sự tăng trưởng tốt, ngoại trừ điện gia dụng giảm 11%. Ngoài ra còn có xăng dầu, giảm 0,2%. Malaysia là một quốc gia sản xuất xăng dầu lớn và có hoạt động xuất khẩu xăng dầu. Hiện quốc gia này là nguồn cung xăng dầu lớn thứ 2 của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 (sau Hàn Quốc). Đây cũng là một trong 7 thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam.

Trong khi đó, nửa đầu năm nay ghi nhận trở lại kim ngạch dầu thô nhập khẩu từ Malaysia của Việt Nam sau 2 năm “vắng bóng”. Trước sự thiếu hụt nguồn cung dầu trên thế giới cũng như nguồn cung từ thị trường trong nước, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường nước ngoài, trong đó có Malaysia.

Về nhóm hàng thực phẩm, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là sản phẩm dầu mỡ động thực vật, đạt 292 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng sữa và hàng rau quả từ Malaysia giảm, lần lượt là -28% và -13%. Đối với hàng thủy sản, nhập khẩu tương đối ít, chỉ khoảng 9 triệu USD trong 2 quý đầu năm 2022.

Gạo Việt chưa tạo được thương hiệu tại Malaysia

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Malaysia vẫn là các mặt hàng công nghiệp. Trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt trị giá cao nhất, ở mức 755,1 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản phẩm công nghiệp có mức độ tăng trưởng lớn nhất là sắt thép. Trong nửa đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang Malaysia đạt hơn 368 triệu USD, tăng trưởng tới 154%.

Năm nay, Việt Nam cũng ghi nhận lại số liệu kim ngạch xuất khẩu dầu thô, đạt mức 91,9 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2021 và cả năm 2021 đều không ghi nhận.

Về thực phẩm, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia các mặt hàng như thủy sản, rau quả, gạo… Nhìn chung, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm đều tăng, ngoại trừ rau quả và cà phê, giảm lần lượt 5% và 11%.

Trong khi đó, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lại tăng trưởng gần 90%; hạt tiêu tăng 40%; hàng thủy sản tăng 37%; bánh kẹo tăng 22%.

Đối với mặt hàng gạo, Malaysia được đánh giá là thị trường tiềm năng để xuất khẩu khi có nhu cầu nhập khẩu trung bình trên 1 triệu tấn gạo mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hơn 32 triệu người trong nước.

Mặt khác, dù là quốc gia nông nghiệp với gạo là lương thực chính nhưng diện tích canh tác của quốc gia này tương đối thấp, chỉ có 700.000 ha trồng lúa, đây cũng là quốc gia có diện tích trồng lúa ít nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, mặc dù Chính phủ nước này đã có nhiều biện pháp cũng như dành nhiều chính sách cho nông nghiệp nhưng do biến đổi khí hậu nên cũng chỉ đáp ứng được 60 – 70% nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, tại thị trường còn nhiều dự địa này, gạo Việt lại chưa thể tạo nên thương hiệu cho riêng mình. Hiện gạo Việt Nam xuất sang thị trường này chủ yếu vẫn là hàng xuất khẩu thô và được đóng gói bằng bao bì của Malaysia. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chất lượng cũng như thúc đẩy mạnh hơn quá trình quảng bá gạo Việt đến với người dân bản địa.

Điểm lạc quan trong bức tranh xuất khẩu gạo, đó là các mặt hàng gạo thơm, gạo nếp nhỏ được phép nhập khẩu vào thị trường Malaysia dù quy mô còn nhỏ, manh mún nhưng dù vậy, đây vẫn là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị phần tại quốc gia này.

Trong tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Việt Nam) và Thủ tướng Dato' Sri Ismail Sabri bin Yaakob (Malaysia) đã có buổi gặp gỡ và trao đổi. Theo đó, hai bên đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện nay, Malaysia đang nổi lên như một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) . Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), năm 2021, nền công nghiệp Halal ở Malaysia đã đạt 3,1 tỷ USD. Dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào năm 2030. Như vậy, còn rất nhiều dư địa hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Tiềm năng về thị trường Halal tại Malaysia rất lớn, doanh nghiệp nếu nắm được thị trường này thì việc đạt đến con số 18 tỷ USD trong quan hệ song phương là hoàn toàn có thể.

Phía Thủ tướng Malaysia cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mở rộng và phát triển ngành công nghiệp Halal trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Halal cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với loại chứng nhận này.

Tin liên quan

Đọc tiếp