Các nước đang phát triển đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng công bằng. Ảnh: VGP. |
Những kinh nghiệm của 3 nước này đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ tại hội thảo quốc tế chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, chiều 26/5.
Khoản đầu tư JETP giúp các nhà máy điện than Indonesia “nghỉ hưu sớm”
Theo tổng kết kinh nghiệm do UNDP thực hiện, Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đầu tư vào nhiều nhà máy điện than, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất ở một số vùng của đất nước.
Indonesia đã có nhiều chính sách biến đổi khí hậu khác nhau, bao gồm "Chiến lược dài hạn về carbon thấp và khả năng chống chịu với khí hậu 2050" và "Kế hoạch lớn năng lượng quốc gia".
Ngoài các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong "Đóng góp do quốc gia tự quyết định tăng cường" năm 2022 của Indonesia hướng đến tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng sơ cấp lên ít nhất 23% vào 2025, 31% vào 2050; dầu phải dưới 25% vào 2025, dưới 20% vào 2050; than tối thiểu 30% vào 2025, 25% vào 2050; khí đốt tối thiểu 22% vào 2025 và24% vào 2050.
Từ mục tiêu đó, JETP ở Indonesia nhằm hỗ trợ cải cách chính sách, giúp Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho tài chính và đầu tư xanh và tăng cường khung pháp lý.
Các khoản đầu tư của JETP sẽ chủ yếu là các khoản vay cho Chính phủ hoặc cho các doanh nghiệp và được Chính phủ bảo lãnh. Tài chính khu vực công sẽ nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân.
Tại hội thảo, ông Edo Mahendra, Trưởng Ban JETP Indonesia, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư cho biết, nguồn tài chính này sẽ được bổ sung bởi tài chính quốc tế khu vực tư nhân.
"Trọng tâm sẽ là lĩnh vực điện, giúp các nhà máy điện than ‘nghỉ hưu sớm’, xây dựng năng lượng tái tạo và lưu trữ. Làm hiệu quả năng lượng và điện khí hóa, phát triển công nghiệp địa phương và hỗ trợ cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khi mất việc làm có thể xảy ra”.
Đến 2030, đưa giảm phát thải đỉnh của ngành điện Việt Nam về 30%
Ở Việt Nam, Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Theo tổng kết của UNDP, trong quá trình thiết lập và thực hiện JETP, Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng đi cùng với đảm bảo yếu tố công bằng. Cùng với đó là yêu cầu phải sửa đổi về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội, công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Việt Nam đang tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện JETP như nội luật hóa Tuyên bố chính trị thành lập JETP, thành lập Ban Thư ký và xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và Chính phủ, cũng như sự tham gia của các bên liên quan khác.
Chương trình JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới đầy tham vọng. Cụ thể, giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm, ở mốc năm 2030; giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW.
JETP cũng giúp Việt Nam đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%). Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn (một nửa giga tấn) từ giờ đến năm 2035.
Chia sẻ trực tiếp kinh nghiệm tại hội thảo, Ths Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, ngành điện Việt Nam ưu tiên chuyển đổi năng lượng ngành điện từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng.
"Nguyên tắc tối ưu chi phí tổng thể tất cả các khâu sản xuất điện và truyền tải điện. Đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước và có xem xét kết hợp với các nước xung quanh cho mục tiêu này. Việt Nam khuyến khích tất cả thành phần kinh tế để phát triển thị trường ngành điện trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ nguyên tắc thị trường".
Tạo ra khoản vay cho các doanh nghiệp ngành năng lượng Nam Phi
Nước thứ ba được UNDP đề cập tới trong tổng kết kinh nghiệm là Nam Phi. Quốc gia này đã có Dự luật Biến đổi khí hậu và các chính sách về biến đổi khí hậu.
Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật lần đầu năm 2021 chỉ ra rằng phát thải vào năm 2030 sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2015 và phát thải khí nhà kính sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025.
Trong khi đó, nền kinh tế và hệ thống năng lượng của Nam Phi phụ thuộc rất nhiều vào than. Trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp năm 2018, than chiếm 65%, dầu thô (nhập khẩu) 18%, khí đốt 3%, hạt nhân 2%, địa nhiệt 1% và năng lượng tái tạo 11%.
Hiện nay, Nam Phi đang phải đối mặt với biến động xã hội vì mất điện và thu hẹp quy mô khai thác than cũng như ngừng hoạt động của các nhà máy điện than. Do đó, Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Nam Phi nhấn mạnh rằng các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng của quốc gia này "sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ đa phương đáng kể".
Tại hội thảo, bà Joanne Yawitch, Trưởng Ban Quản lý dự án Kế hoạch đầu tư (IP) JETP, Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết, các khoản đầu tư của JETP sẽ chủ yếu là các khoản vay cho Chính phủ hoặc cho các doanh nghiệp nhưng bằng cách nào đó được Chính phủ bảo lãnh. Tài chính khu vực công sẽ nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Tài chính này sẽ được bổ sung bởi tài chính quốc tế khu vực tư nhân.
“Các khoản đầu tư của khu vực công và tư nhân Nam Phi sẽ tập trung vào lĩnh vực điện, xây dựng năng lượng mới, hydro xanh và hỗ trợ sinh kế địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng than, phát triển kỹ năng cho công nhân thất nghiệp. JETP tại Nam Phi cũng nhằm mục đích hỗ trợ cải cách chính sách”, bà Joanne Yawitch chia sẻ.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP cho Nam Phi tại COP26 và JETP Indonesia. JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.