Đầu tháng 10/2022, cuộc đua huy động vốn tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cao dù trước đó nhiều nhà băng đã có sự điều chỉnh về mặt bằng lãi suất huy động sau thông báo nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, hiện có ngân hàng chấp nhận chi trả mức lãi suất trên 8%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Đó là Ngân hàng số Cake by VPBank vừa qua nâng mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường với 8,2%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng.
Tại các kỳ hạn khác, mức lãi suất mà Cake by VPBank áp dụng cũng cao hơn khoảng 0,5% so với các ngân hàng khác.
Ngoài Cake by VPBank, ngân hàng MSB cũng đẩy lãi suất huy động lên mức 8%/năm đối với sản phẩm ''Lãi suất cao nhất'' theo hình thức gửi tiền trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng. Các kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng có thể được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Nếu như trước đây, mốc lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm chỉ xuất hiện ở các kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng nay đã xuất hiện ở cả kỳ hạn 6 tháng tại nhiều ngân hàng như SCB, SHB, Vietcapital Bank, CBBank...
Tại Vietcapital Bank, ngân hàng hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất lên tới 7,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của khách hàng cá nhân và 7,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất cao nhất nhà băng này đưa ra là 7,5%/năm áp dụng với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
Ở kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động cũng đã được nhà băng này tăng lên mức kịch trần 5%/năm.
Tương tự tại SCB, ngân hàng này cũng tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,15-0,2 điểm % kể từ cuối tháng 9, hiện tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại nhà băng này được hưởng lãi suất 7,2%/năm với tiết kiệm Phát Lộc Tài và 7,25%/năm nếu gửi online.
Trong kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất cũng đạt ở mức 7,35%/năm và 7,4%/năm với hai hình thức gửi tiền này cũng như kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 7,5%/năm và 7,55%/năm.
Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này hiện lên tới 7,75%/năm, áp dụng với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi 24 tháng, lãi suất kỳ lĩnh lãi thứ 1 áp dụng cho khách hàng cá nhân cũng đã tăng từ 7,75%/năm lên 7,95%/năm.
Tại nhiều ngân hàng tư nhân, mức lãi suất huy động vốn hầu hết đã vượt xa mốc 7%/năm. Trong đó, VietABank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng ở mức 7,8%/năm; CBBank trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng trở lên ở mức 7,5%/năm; VPBank có lãi suất tối đa 7,5%/năm; NamABank lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở 7,3%/năm...
Trong đợt nâng lãi suất huy động trước đó vào cuối tháng 9, nhóm Big 4 ngân hàng đã có đợt tăng mạnh từ 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Với mức điều chỉnh trên, nhóm Big4 là những ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất trong đợt này. Tuy nhiên, so với các nhà băng tư nhân, lãi suất của Vietcombank, VietinBank, Agribank vẫn thấp hơn đáng kể khi mức cao nhất chỉ là 6,4%, áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Ngân hàng Nhà nước đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay
Trước bối cảnh các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp lo ngại việc lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Do đó tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức vào chiều 1/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất điều hành cũng đã tính đến mục tiêu này.
Trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
“Đồng thời chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tại báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho biết, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.
Tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90 - 110 điểm cơ bản (0,9 - 1,1 điểm %) trong 8 tháng đầu năm, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh.
Chuyên gia VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất điều hành cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Nhóm phân tích dự báo thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động sẽ có thể tiếp tục tăng 150-200 điểm cơ bản (1,5 – 2,0 điểm %) so với giai đoạn dịch bệnh, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.