Một người dân đi qua biển hiệu kêu gọi bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Zaporizhzhia, ngày 26/9. Ảnh: Reuters |
RT dẫn lời ông Aksyonov cho biết, dự đoán kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Lugansk tự xưng (LPR), cùng các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia sẽ khiến Nga hành động quyết tâm hơn.
“Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ vượt qua cột mốc chưa từng đạt được trước đây. Quy chế mới đối với các vùng lãnh thổ 'được giải phóng' sẽ chấm dứt tình trạng bất ổn. Các vùng đó sẽ trở thành chủ thể chính thức của Nga. Trên thực tế, chúng ta sẽ ngừng triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt và bắt đầu chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ của chúng ta”, Thống đốc Crimea cho biết.
Lãnh đạo Cộng hòa Crimea Sergey Aksyonov (giữa). Ảnh: RT |
Lugansk và Donetsk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, vào năm 2014, hai tỉnh này đã tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ Ukraine và lập ra hai nhà nước là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR).
Hồi cuối tháng 2, Nga đã ký sắc lệnh công nhận độc lập cho hai vùng ly khai này - chỉ vài ngày trước khi tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu nhằm bảo vệ người dân Donbass.
Người dân tiến hành bỏ phiếu ở Belgorod, Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Tỉnh Kherson và phần lớn tỉnh Zaporizhzhia, phía Đông Nam Ukraine cũng nằm trong kiểm soát của Nga từ tháng 3 năm nay, không lâu sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hiện tại, 4 vùng này đang tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga từ ngày 23/9 – 27/9. Hôm 25/9, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) cho biết hơn 100 quan sát viên quốc tế từ 40 nước tham gia giám sát các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 khu vực này.
Theo nguồn tin mà TASS dẫn từ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), các nghị sĩ nước này có thể tổ chức một phiên họp toàn thể để thông qua dự luật về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ tại Ukraine vào tối ngày 28/9 - 29/9.
Một phụ nữ bỏ phiếu ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: AFP |
Thống đốc Crimea cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý hiện tại giống như cách thức mà bán đảo Crimea đã tiến hành hồi tháng 3/2014, sau cuộc đảo chính Maidan do Mỹ hậu thuẫn ở Kiev. Đồng thời, ông khẳng định cuộc bỏ phiếu khi đó “tuân thủ theo luật pháp quốc tế và không xảy ra sai sót nào, nhưng thực tế vẫn không ai công nhận nó”.
Phản ứng về việc 4 vùng lãnh thổ tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, Ukraine đã lên tiếng chỉ trích đây là những cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp, dàn dựng. Kiev tuyên bố mạnh rằng nước này vẫn “coi Nga là quốc gia chiếm đóng bất hợp pháp”, đồng thời Kiev có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình – bao gồm cả Crimea.
Nước này cũng cảnh báo rằng các cuộc trưng cầu dân ý sẽ phá hủy cơ hội đàm phán hòa bình để kết thúc cuộc chiến.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây, đều chỉ trích kế hoạch này và tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh cáo Washington và các đồng minh sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Nga để trả đũa.