Lấy người dân làm trung tâm để 'bứt tốc' chuyển đổi số toàn diện

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
20:19 - 09/10/2022
Hội thảo 'Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp'. Ảnh: Hà Anh
Hội thảo 'Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp'. Ảnh: Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đang được xác định đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời là động lực, định hướng cho các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước tăng tốc quá trình này tại Việt Nam.

Tại hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp ngày 9/10, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3%, chiếm 54,51% tổng số thủ tục hành chính và tiệm cận mục tiêu đạt 100% vào năm 2025. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến lần lượt đạt 67,8%43,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn ở mức thấp, chỉ đạt 3% (cuối tháng 6/2022), trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.

Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến cũng công bố thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia tính đến tháng 6/2022 cho thấy, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% ở thời điểm cuối năm 2021. Song, để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP thì vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Lấy người dân làm trung tâm để bứt tốc chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cũng như là mục tiêu, động lực của hoạt động này.

Theo đó, mọi chính sách phải hướng về kết quả cuối cùng là người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình chuyển đổi số bởi có như vậy quá trình chuyển đổi số mới có tính toàn dân và toàn diện, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến nêu rõ, trọng tâm công tác chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua việc phổ cập các dịch vụ trực tuyến, nền tảng số để hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Ngoài việc các cơ quan ban ngành địa phương phải tạo điều kiện để chuyển đổi số, thì việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số từ phía người dân, doanh nghiệp là điều đặc biệt quan trọng. Với phương châm chuyển đổi số mang lại giá trị cho người dân bởi mọi sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số đều thông qua công dân mới có thể cho kết quả, chính vì vậy phải lấy người dân là trung tâm, động lực cho quá trình chuyển đổi số.

Ảnh tác giả

Để tăng tốc quá trình chuyển đổi số thì chúng ta phải tìm cách nâng cao vai trò của công dân trong quá trình này.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến

Cũng theo ông Tiến, nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm tổng diễn tập về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì 2022 là năm tổng tiến công chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Còn giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn để người dân, doanh nghiệp bứt tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng địa phương.

Cần bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi số là "kỹ năng số". Để giải quyết được vấn đề này cần bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho hơn 2 triệu công chức, viên chức, cũng như tất cả người dân.

Ảnh tác giả

Mỗi người dân cần được trang bị kỹ năng số, kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin để tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân trước các nguy cơ tấn công trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Để người dân tự trang bị kỹ năng số, tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng, Bộ TT&TT đã cung cấp những khoá học bồi dưỡng và phát động chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng các trang web, máy chủ tại Việt Nam để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng.

Hội thảo 'Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp' nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.