Tập đoàn Thành Công là một cổ đông của PGBank. Ảnh minh họa: Minh Phong |
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – UPCOM: PGB) ngày 1/7 có thông báo về việc cung cấp, công bố công khai thông tin các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 49, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.
Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cung cấp thông tin về họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu của cổ đông là người nước ngoài; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này hoặc thay đổi thông tin về người có liên quan.
Thời hạn cung cấp thông tin trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày có phát sinh hoặc thay đổi thông tin.
PGBank là một trong những ngân hàng thương mại với cơ cấu sở hữu cô đặc hàng đầu hệ thống. ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức vào hạ tuần tháng 4 có sự tham dự của 20 cổ đông đại diện cho 292,3 triệu cổ phần, tương đương 97,424% vốn điều lệ PGB.
Tỷ lệ sở hữu cô đặc cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm tại đại hội vừa qua của PGB, đặc biệt trong bối cánh Luật các Tổ chức tín dụng mới sắp đi vào hiệu lực và các ngân hàng sẽ phải công khai cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng cho biết luật mới sẽ được áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng chứ không chỉ riêng PGBank. Theo ông Thắng, sẽ có khoảng 2 nghị định và 40 thông tư chuẩn bị được NHNN ban hành. PGBank sẽ thực hiện đúng theo các quy định này.
Dấu ấn Tập đoàn Thành Công
Được thành lập đầu những năm 90 của thế kỷ trước, PGBank là một trong những ngân hàng có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Vào giữa năm 2023, cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex cùng với nhóm nhà đầu tư liên hệ với Tập đoàn TNG Holdings (nay là ROX Group) tiến hành thoái vốn, đánh dấu bước phát triển mới của PGBank.
Cụ thể, vào tháng 4/2023, 3 doanh nghiệp có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công (TC Group) là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức đã mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá của Petrolimex. Số tiền 3 công ty này bỏ ra lên đến gần 2.568 tỷ đồng.
Đến ngày 11/7/2023, cổ phiếu PGB chứng kiến phiên giao dịch lịch sử khi có gần 156 triệu cổ phiếu được giao dịch bằng phương pháp thỏa thuận với giá trị 3.275 tỷ đồng, tương đương gần 52% vốn điều lệ PGBank.
PGBank lột xác nhanh chóng hậu đổi chủ. Ở ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 10/2023, PGBank thay máu dàn lãnh đạo cấp cao, trong đó ông Đào Phong Trúc Đại – một nhân sự quan trọng của TC Group được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Tại đây, cổ đông PGB còn thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, và 800 tỷ đồng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Vào đầu năm 2024, PGBank đã nâng vốn hành công lên 4.200 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang triển khai việc chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng theo kế hoạch.
Đà phát triển của PGBank trong gần một năm vừa qua có dấu ấn không nhỏ của Tập đoàn Thành Công. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng cũng cho biết TC Group là một cổ đông của ngân hàng này.
“TCG là một trong những đối tác chiến lược của PGBank, vì vậy TCG sẽ tham gia với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng,” trích lời ông Phạm Mạnh Thắng tại biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Về cơ cấu sở hữu, PGBank hiện chỉ có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức, sở hữu 40% vốn điều lệ. Đây đều là những pháp nhân có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công.
Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024 (trước thời điểm tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng), bên cạnh các cổ đông lớn, PGBank có 12 cổ đông "gần lớn", sở hữu từ 10 – 14,8 triệu cổ phiếu PGB, tương đương từ 3,3% – 4,9% vốn điều lệ ngân hàng này.
Tỷ lệ sở hữu không có nhiều thay đổi từ bấy đến nay, khi cổ phiếu PGB không có bất cứ giao dịch thỏa thuận nào, trong khi giao dịch khớp lệnh chỉ ở mức vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Trong số những cổ đông "gần lớn" của PGBank, có thể kể đến bà Văn Lê Hằng, nắm 14,33 triệu (4,776% VĐL); ông Trịnh Bình Long, sở hữu 14,65 triệu (4,88% VĐL); bà Nguyễn Thị Thu Hà, sở hữu 14,83 triệu (4,933% VĐL)…
Những thể nhân kể trên đều có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Thành Công, như ông Trịnh Bình Long từng là giám đốc Công ty TNHH Thành Công Thanh Hóa; bà Văn Lê Hằng từng là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán DSC, bà Nguyễn Thị Thu Hà là Thành viên HĐQT của Chứng khoán DSC.
Nếu vẫn giữ nguyên sở hữu tại PGBank, những cổ đông "gần lớn" kể trên sẽ tiến hành thực hiện công bố thông tin, theo Luật các Tổ chức tín dụng mới.