“2023 là một năm đầy ắp sự kiện đánh dấu một bước ngoặt mới trên hành trình phát triển của ngân hàng. Ngày 28/12/2023, PGBank chính thức ghi dấu ấn ở tuổi 30 với việc thông báo thay đổi nhận diện thương hiệu mới với tên gọi mới, logo mới,” đây là lời chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng trích từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – UPCoM: PGB).
Theo ông Thắng, tên mới bao hàm 3 yếu tố: Thịnh vượng, Phát triển và Thành công, đã được ban lãnh đạo ngân hàng, các cổ đông và đối tác chiến lược gửi gắm và đặt trọn niềm tin.
2023 được nhìn nhận như một trong những năm quan trọng nhất trong lịch sử hoạt động của PGBank, sau khi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn và sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công (TC Group) vào tháng 4/2023.
Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 10/2023, PGBank thông qua việc đổi tên thương mại, đồng thời chuyển trụ sở chính từ tòa nhà Mipec Tower, Tây Sơn, Đống Đa sang tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - một dự án do TC Group làm chủ đầu tư.
PGBank cũng tiến hành thay đổi hệ thống nhân sự cấp cao. Các lãnh đạo từng có thời gian công tác tại Ngân hàng MSB lần lượt được miễn nhiệm, và ở chiều ngược lại, hàng loạt cái tên có thâm niên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.
Trong đó, một lãnh đạo của TC Group là ông Đào Phong Trúc Đại được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Mạnh Thắng - cựu Phó Tổng giám đốc Vietcombank được chọn thay thế ông Nguyễn Phi Hùng ở ghế Chủ tịch HĐQT.
Trong một năm với nhiều đổi thay, PGBank không đạt được nhiều kết quả kinh doanh đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong quý 4/2023, PGBank lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng, lũy kế cả năm, PGB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 351 tỷ đồng, đạt 66,2% kế hoạch.
Theo ban lãnh đạo PGBank, một trong những nguyên nhân là do PGB thay đổi cơ cấu cổ đông, định hướng hoạt động nên cần thời gian rà soát, sắp xếp lại các hoạt động cho phù hợp chiến lược mới.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 sẽ được tổ chức ngày 20/4 tới đây, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 đạt 554 tỷ đồng, tăng 58% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đến ngày 31/12/2024 đạt 63.503 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023.
PGBank có nhiều cơ sở để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong bối cảnh kết quả quý 1 được cải thiện đáng kể. Trong quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 116 tỷ đồng, tuy giảm hơn 24% so với cùng kỳ, vẫn cao hơn nhiều 2 quý trước đó.
|
Đối tác tín dụng mới của Tập đoàn Thành Công
Một trong những định hướng kinh doanh trong năm 2024 của PGBank là khai thác tối đa, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và hệ sinh thái của các đối tác chiến lược.
Tuy không nói rõ đối tác chiến lược của mình là ai, theo quan sát của Mekong ASEAN, không mất nhiều thời gian, quan hệ hợp tác giữa PGBank và TC Group đã được thúc đẩy sau khi ngân hàng đổi chủ. Dòng vốn tín dụng của PGBank bắt đầu chảy vào hệ sinh thái TC Group trong gần một năm trở lại đây.
Tính đến cuối quý 1/2024, CTCP Chứng khoán DSC vay PGBank tổng cộng 546 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 450 tỷ đồng của thời điểm đầu năm, chiếm tương ứng 24,5% tổng nợ phải trả của DSC. PGBank cũng là đối tác tín dụng lớn thứ 2 của DSC, chỉ xếp sau Ngân hàng BIDV (vay ngắn hạn 1.305 tỷ đồng).
Chứng khoán DSC là một thành viên trong mảng tài chính dịch vụ của TC Group. Kể từ khi về hệ sinh thái Thành Công vào cuối năm 2020, DSC đã tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 2.048 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường.
Một cái tên lớn khác là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng ngày 19/9/2023 đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Việt Hưng” tại PGBank chi nhánh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Khu công nghiệp Việt Hưng là một trong những dự án trọng điểm của TC Group ở thời điểm hiện tại. Dự án có diện tích hơn 300 ha, được chia chia làm 2 giai đoạn đầu tư, tính đến hết tháng 7/2023, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã hoàn thành tổng thể hạ tầng kỹ thuật đối với khoảng 208 ha, tương đương 70% diện tích dự án.
Khu công nghiệp Việt Hưng có Tổng giám đốc là ông Đào Phong Trúc Đại - Phó Chủ tịch HĐQT của PGBank.
Việc hợp tác với Tập đoàn Thành Công được kỳ vọng tích cực, tạo ra giá trị gia tăng cho PGBank, khi TC Group là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, với quy mô vốn và các quỹ đạt gần 4.957 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024, dư địa cấp tín dụng của PGBank với bất kỳ một khách hàng lớn nào là hạn chế. Theo luật định hiện hành, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết đối với việc tăng vốn của PGBank. Tăng vốn không chỉ đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh mà còn dần cải thiện dư địa cấp tín dụng đối với các khách hàng lớn.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng đầu năm 2024, vốn điều lệ của PGBank được nâng lên 4.200 tỷ đồng. Tuy không còn là ngân hàng với vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, con số này mới chỉ cao hơn SGB (3.080 tỷ đồng) và KLB (3.653 tỷ đồng).
Tại đại hội tới đây, PGBank sẽ tiếp tục trình cổ đông phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chủ trương vốn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 10/2023. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của PGBank sẽ nâng lên 5.000 tỷ đồng, tương đương với Ngân hàng Bản Việt (5.017 tỷ đồng).