Lợi nhuận các công ty thủy điện năm 2021 hưởng lợi nhờ tăng giá bán

Thủy Điện Việt nAM
12:08 - 20/01/2022
Thủy điện A Vương. Ảnh: EVN
Thủy điện A Vương. Ảnh: EVN
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, các công ty thủy điện đều báo cáo lợi nhuận lớn, nhờ được hưởng lợi chung từ việc tăng giá của ngành điện, trong khi lại không phải chịu chi phí đầu vào tăng cao như điện khí và điện than. 

Năm 2021, dù nhu cầu sử dụng điện giảm, nhất là trong quý III do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng giá bán điện lại tăng so với năm 2020. Báo cáo tài chính quý IV/2021 và cả năm 2021 mà các công ty thủy điện mới công bố đều có kết quả tích cực, vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, CTCP Thủy điện sông Ba Hạ (mã SBH) năm 2021 doanh thu đạt 870 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2020 và vượt 28% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, vượt 111% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 470 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm 2020.

Trong khi đó, CTCP Thủy điện A Vương (mã chứng khoán AVC), cả năm 2021 doanh thu đạt hơn 682 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2020. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 362,6 tỷ đồng, hoàn thành gấp 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 342 tỷ đồng, tăng 83,6% so với năm 2020.

Cũng có kết quả kinh doanh khả quan, CTCP Thủy điện Srok Phu Miêng Idico (mã chứng khoán ISH) có doanh thu và lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ. Cụ thể, năm 2021 doanh thu thuần đạt hơn 238 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm 2020. Lãi sau thuế đạt 95,4 tỷ đồng, tăng 83,5% so với năm trước đó.

Vượt chỉ tiêu năm 2021 gần 60%, CTCP Thủy điện Nước Trong (mã chứng khoán NTH) cũng dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ chi trả 10%. Năm 2021, doanh thu công ty này đạt 105 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 và vượt 20,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9,9% lên trên 42 tỷ đồng, vượt 59% chỉ tiêu cho cả năm.

Đặc biệt, CTCP Sông Đà 7.02 (UpCOM: S72) năm 2021, doanh thu thuần đạt 42,5 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 5,2 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên S72 có lãi sau khi đã lỗ liên tiếp suốt từ năm 2012 đến nay. Thậm chí năm 2021 công ty cũng đã lên kế hoạch lỗ gần 4 tỷ đồng.

Ngược lại, CTCP Thủy điện Hủa Na (mã chứng khoán HNA), doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính riêng quý IV/2021 doanh thu thuần đạt 200 tỷ đồng, giảm 18,6%. Lãi sau thuế quý IV của công ty hơn 46 tỷ đồng, giảm 42,7% so với cùng kỳ. Thủy điện Hủa Na cho biết, do lưu lượng nước về hồ trong quý IV giảm mạnh, dẫn tới sản lượng điện giảm, làm giảm doanh thu và lợi nhuận.

Dù vậy, lũy kế cả năm 2021 doanh thu của công ty vẫn đạt 691 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020. Nhờ tiết giảm chi phí vốn, chi phí tài chính dẫn tới lợi nhuận trước thuế còn hơn 138 tỷ đồng, gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế gần gấp 4 lần cùng kỳ, lên 131,3 tỷ đồng.

Đa phần các công ty thủy điện trong năm 2021 đều được hưởng lợi nhờ doanh thu tăng chung trong ngành điện và việc tiết giảm chi phí quản lý, chi phí tài chính. Tuy nhiên, một số công ty thủy điện đã bắt đầu bị giảm sản lượng do lưu lượng nước về hồ giảm sút. Dự kiến, trong năm 2022, tình trạng này sẽ còn diễn ra nhiều hơn tại các hồ thủy điện, đặc biệt là ở miền Bắc.

Trong năm 2021, một số dự án thủy điện lớn như: Thượng Kon Tum (220 MW – Thuộc VSH), Dak Mil 2 (147 MW) và Sông Tranh 4 (48 MW) cùng thuộc HDG, Đa Nhim mở rộng (80MW – thuộc DNH)…. cũng đã vận hành chính thức.

Dự kiến thủy điện ảm đạm trong năm 2022

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo trong năm 2022, mức tiêu thụ điện sẽ cải thiện ít nhất 8,6% so với cùng kỳ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, theo báo cáo ngành điện của VCBS, trong năm 2022, giá bình quân thị trường điện sẽ cao hơn so với cùng kỳ do La Nina yếu hơn và muộn hơn, đẩy vùng mưa vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Vì vậy, dự kiến ngành thủy điện, đặc biệt là các thủy điện phía Nam sẽ vẫn được hưởng lợi từ La Nina trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022. Do trước đó, mực nước một số sông chính khu vực miền Trung và miền Nam đã tăng liên tục trong quý III/2021.

Năm 2022, sản lượng thủy điện sẽ giảm do điều kiện thiên văn không thuận lợi. ẢNh: xaydung47.vn

Năm 2022, sản lượng thủy điện sẽ giảm do điều kiện thiên văn không thuận lợi. ẢNh: xaydung47.vn

Ngược lại, các nhà máy thủy điện miền Bắc có khả năng bước vào giai đoạn khô hạn sớm hơn dự kiến. Bởi mùa mưa năm 2021, khu vực miền Bắc hầu như không có lũ về khiên mực nước tại các hồ thủy điện vùng này giảm sút.

Vì vậy, đứng trước nhu cầu sử dụng điện phục hồi trở lại sau Covid-19 trong năm 2023, các nhà máy nhiệt điện sẽ cần phải huy động tối đa công suất trong mùa khô năm 2022, gây ra sự phân hóa mạnh về cơ cấu nguồn điện trong giai đoạn 2022 - 2023.

Trong dài hạn, VCBS dự đoán, do cam kết giảm mức phát thải ròng về 0 năm 2050 tại Hội nghị COP26, nên nhiệt điện LNG và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi sẽ được đầu tư mạnh và trở thành xu hướng của thế giới. Vì vậy, những công ty đầu tư cho các dự án điện này sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và được hưởng lợi từ xu hướng này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.