Trong kỳ, nguồn thu chính của ngân hàng này là lãi thuần ghi nhận đạt 7.111 tỷ đồng, tăng 13,8% YoY. Một số khoản thu ngoài lãi cũng ghi nhận kết quả tích cực với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 877 tỷ đồng, tăng 9%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 415 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh hơn 41 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 71 tỷ đồng) và lỗ từ chứng khoán đầu tư hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 400 tỷ đồng).
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này đạt 6.186 tỷ đồng, tăng 11% YoY. Cùng với việc giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống còn hơn 588 tỷ đồng, đã giúp cho ACB đạt được mức lợi nhuận gần 5.600 tỷ đồng nêu trên.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt hơn 10.490 tỷ đồng, tăng 5,5% so với 6 tháng năm ngoái và hoàn thành được 48% kế hoạch lợi nhuận năm (22.000 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB ghi nhận đạt 769.678 tỷ đồng, mở rộng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% còn 15.724 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng ghi nhận giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ACB ở mức 12,8%, đạt 550.000 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống là 6%. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng 12,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 7,2% và doanh nghiệp tăng 37,6%.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng lên 8.121 tỷ đồng, trong đó khoản nợ có khả năng mất vốn tăng tới 41% so với hồi đầu năm, lên 5.525 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tại ACB tăng từ 1,22% hồi đầu năm lên 1,5%.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31% (tăng 0,27 điểm %). Tỷ lệ nợ xấu của mảng doanh nghiệp là 1,47% (tăng 0,29 điểm % so với năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu mảng cho vay bất động sản là 1,79% (tăng 0,4 điểm % so với năm 2023).