Hơn 90% cổ phần của LPBank là do các cổ đông sở hữu dưới 1% vốn nắm giữ. |
Theo đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) vẫn là cổ đông lớn nhất của LPBank, sở hữu gần 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ 6,54%. Người có liên quan VNPost sở hữu hơn 225.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chưa đến 0,09%.
Cổ đông còn lại theo báo cáo của LPB là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy với hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 2,765%. Người có liên quan ông Thuỵ nắm gần 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.
Như vậy, theo danh sách được LPB công bố, hơn 90% cổ phần của LPBank là do các cổ đông sở hữu dưới 1% vốn nắm giữ.
Về cơ cấu sở hữu, theo danh sách chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên ngày 15/2/2024, tổng số cổ đông có quyền dự họp là hơn 37.178 cổ đông. Số lượng cổ đông của LPB giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2023 (41.294 cổ đông) và cuối năm 2022 (65.474 cổ đông).
Đại hội vừa qua có sự tham dự của 138 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 2,2 tỷ cổ phần, tương đương 86,32% vốn điều lệ của LPBank. Số lượng cổ đông tham dự đại hội giảm tương đối mạnh so với các kỳ trước, tuy nhiên túc số lại tăng lên đáng kể so với mức 66,65% của năm 2023 và 65,88% của năm 2022.
Cơ cấu sở hữu của LPBank cũng có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Thống kê của Mekong ASEAN từ SSI Iboard cho thấy, tính từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, có 1,23 tỷ cổ phiếu LPB được giao dịch thỏa thuận trong vòng 39 phiên giao dịch liên tiếp với tổng giá trị hơn 28.000 tỷ đồng.
Khối lượng cổ phiếu LPB được giao dịch thỏa thuận trong 2 tháng qua tương đương xấp xỉ 48% vốn điều lệ ngân hàng này.
LPBank vào trung tuần tháng 7/2024 cũng vừa hoàn tất việc đổi tên từ Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam. Điều này, theo lãnh đạo ngân hàng nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thịnh vượng cho cộng đồng.
Trước đó trong năm 2023, ngân hàng này cũng đã tiến hành thay đổi nhận diện thương hiệu, từ LienVietPostBank thành LPBank.