Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng trong tháng 4 đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với tháng 3/2024.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên do có sụt giảm khá mạnh trong tháng 1 và tháng 2 nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận sụt giảm hơn 133.000 tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư lại thiết lập mức kỷ lục mới, tăng hơn 39.700 tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183.000 tỷ đồng (tương đương tăng 2,8% so với cuối năm ngoái).
Việc tiền gửi bắt đầu có xu hướng tăng trở lại do tháng 4/2024 là thời điểm các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, mức tăng chỉ trong khoảng 0,1% đến 0,2%/năm, xu hướng lãi suất huy động giảm vẫn chiếm thế áp đảo tại thời điểm đó.
Lãi suất huy động chỉ thực sự tăng đồng loạt tại hầu hết ngân hàng thương mại từ tháng 5/2024 và kéo dài đến nay. Và tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã có động thái niêm yết mức lãi suất huy động trên 6%/năm. Cao hơn khoảng 1 điểm % so với thời điểm tháng 4/2024.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 7/2024, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, động thái tăng lãi suất đầu vào của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng tính đến 24/6 tăng mạnh lên 4,45%, từ mức 2,4% cuối tháng 5. Điều này thúc đẩy các nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang dần cải thiện qua các tháng.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh hiện vẫn giữ lãi suất kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức 4,7%. Chỉ duy nhất VietinBank là nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động trong tháng 6 khiến lãi suất trở nên vượt trội hơn so với các ngân hàng còn lại trong nhóm big 4.
Trong nửa cuối năm 2024, MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản do cầu tín dụng tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Chuyên gia MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2%- 5,5% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.