Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. |
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/9, phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ Xây dựng về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội và công tác phòng cháy chữa cháy sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.
Trả lời câu hỏi vì sao trong khi doanh nghiệp chưa mặn mà, Nhà nước không trực tiếp xây dựng nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở, về đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã có các hình thức đầu tư. Trong đó có hình thức Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và có hình thức huy động nguồn vốn xã hội từ sự tham gia của các doanh nghiệp.
Về lý do các doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đồng tình với các lý do như lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng, quỹ đất... Tuy nhiên đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, các lý do này đang được cải thiện và đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hơn.
“Trước đây, quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội chủ yếu là 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Trong Luật Nhà ở đang được sửa đổi, nội dung này được điều chỉnh theo hướng giao cho UBND các tỉnh, dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án để xây dựng nhà ở xã hội”, ông Sinh cho biết, đồng thời đánh giá thời gian tới quỹ đất sẽ dồi dào hơn và doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận hơn.
Về ưu đãi cho chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định đây cũng là vấn đề quan trọng, ưu đãi nhiều hay ít là một trong các yếu tố thu hút nhà đầu tư. Vì vậy các quy định hiện hành đã nêu rõ, như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, hỗ trợ vay vốn...
“Luật Nhà ở sửa đổi đang theo hướng có sự hỗ trợ tích cực hơn, như tiếp tục miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, hưởng lợi nhuận 10%, dành 20% quỹ đất trong dự án để chủ đầu tư xây dựng các khu thương mại, địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng...”, ông Sinh nói.
Về lý do vì sao không nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư từ 10 lên 15% để thu hút thêm sự tham gia, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giải thích, nếu nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư thì lại dẫn đến nâng giá bán cho người thu nhập thấp. Mặt khác, ông Sinh thông tin, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng các chính sách ưu đãi như hiện nay đã rất tốt, quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, địa phương phải tích cực vào cuộc để thúc đẩy dự án.
“Ngoài các ưu đãi trên thì các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ về vốn. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất... Cùng với đó là gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%. Với Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, địa phương chú trọng đầu tư, tôi tin rằng nguồn cung nhà ở xã hội thời gian tới sẽ dồi dào hơn”, Thứ trưởng Sinh chia sẻ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin thêm về vấn đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Nhà nước thực hiện ba nhiệm vụ: Quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách và thanh tra kiểm tra.
“Vẫn có các doanh nghiệp Nhà nước tham gia xây dựng nhà ở xã hội, như Tổng công ty Becamex ở phía Nam, một số doanh nghiệp thuộc các bộ, địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia xây dựng nhà cho công nhân”, ông Sơn cho biết.
Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/9. |
Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các chung cư mini, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau vụ cháy tại Khương Hạ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đã vào cuộc quyết liệt, tổng kiểm tra hoạt động của loại hình này và phát hiện nhiều sai phạm.
Ông Sinh cho rằng, giải pháp quản lý, phòng cháy chữa cháy đối với loại hình chung cư mini đã có quy định trong Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên thực tế thực thi chưa được nghiêm túc nên chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
“Vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Phải đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, cải tạo để ngăn khu vực để xe dễ cháy nổ với lối thoát, tạo thêm các hệ thống lối thoát để tạo thuận lợi và an toàn cho người dân, đầu tư thêm các trang thiết bị bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, nâng cao công tác quản lý vận hành...”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp.