Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 7/11 đã có báo cáo liên quan đến giao dịch trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Quân đội - MB (mã: MBB).
Cụ thể, MB đã thực hiện mua lại toàn bộ 15.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương đương 150 tỷ đồng của lô trái phiếu mã MBBL2128012 tới bằng nguồn vốn tự có của ngân hàng.
Đây là lô trái phiếu đầu tiên được ngân hàng này mua lại trong tháng 11. Lô trái phiếu được phát hành vào ngày 3/11/2021 có kỳ hạn 7 năm, ngày đáo hạn là 3/11/2028.
Trước đó, vào tháng 10/2023, MB đã có 2 lần mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, MB đã thực hiện mua lại toàn bộ 2.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương đương 200 tỷ đồng của lô trái phiếu mã MBBL2128010 và MBBL2128007, cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 7 năm, phải đến 2028 mới đáo hạn.
Trong tháng 8 và tháng 9/2023, MB cũng đã tiến hành mua lại lần lượt 10.000 trái phiếu mã MBBL2128003 và 51.500 trái phiếu đang lưu hành của mã MBBL2128006 với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương đương 615 tỷ đồng, tương tự cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 7 năm, phải đến 2028 mới đáo hạn.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, MB đã chi 965 tỷ đồng cho hoạt động mua lại 6 lô trái phiếu trước hạn.
Ở chiều ngược lại, theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, MB cũng đồng thời huy động tiền qua phát hành 1.000 trái phiếu mã MBBL2330005 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện vào ngày 25/10/2023.
Lô trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, được phát hành tại thị trường trong nước với lãi suất 7,05%/năm. Đây là lô trái phiếu thứ 5 được ngân hàng này phát hành trong năm nay.
Bốn lô trái phiếu còn lại được phát hành lần lượt vào các ngày 22/9, 29/9, 3/10 và 13/10 với các mã trái phiếu MBBL2330001, MBBL2330002, MBBL2330003 và MBBL2330003.
Các lô trái phiếu trên đều có mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, cùng có kỳ hạn 7 năm, phải đến năm 2030 mới đáo hạn. Tổng số tiền huy động được từ 5 đợt trái phiếu là 1.850 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh tại MB, 9 tháng 2023, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 76% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng ngân hàng mẹ lãi 18.866 tỷ đồng, tăng 15%.
Với con số lợi nhuận này, MB đã vượt qua Techcombank (17.115 tỷ đồng), BIDV (19.763 tỷ đồng) và Vietinbank (17.401 tỷ đồng) để vươn lên vị trí thứ hai toàn ngành về lợi nhuận, chỉ thấp hơn Vietcombank (với gần 30.000 tỷ đồng).
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại MB chạm mốc 815.881 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Trong đó tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 45% còn 21.634 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 536.031 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm trước từ 5.031 tỷ đồng lên 10.111 tỷ đồng. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng gấp 3 lần so với đầu năm, nợ có khả năng mất vốn giảm 17%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại MB tăng từ 1,09% lên 1,89%.