Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin RT trích dẫn bài phỏng vấn của Ngoại trưởng Ba Lan với đài truyền hình Polsat, ông cho biết mối quan hệ giữa quốc gia này với Kiev phụ thuộc vào “ba khía cạnh” là địa chính trị, lợi ích quốc gia và sự hỗ trợ trong nước. Ba Lan liên kết với Ukraine về mặt địa chính trị do liên quan đến cuộc xung đột với Nga, nhưng hai nước có những lợi ích quốc gia khác nhau khi nói đến việc nhập khẩu và quá cảnh nông sản Ukraine.
Ông giải thích rằng việc chính phủ Ukraine lựa chọn leo thang tranh chấp bằng cách kiến nghị lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, “khiến lòng tin của chúng tôi vào chính sách hiện tại của chính phủ Ukraine đối với Ba Lan bị lung lay”. Ông khẳng định: “Sau những gì đã xảy ra, việc quay trở lại tình trạng ban đầu sẽ đòi hỏi những nỗ lực khổng lồ”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn ngày 2/10, ông nhấn mạnh rằng Warsaw đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ “quân sự và chính trị” đối với Kiev, bao gồm cả những nghĩa vụ mà thành viên NATO yêu cầu. Theo ông, Ba Lan không yêu cầu Ukraine phải làm gì nhưng mong đợi được đáp lại bởi thái độ lịch sự tương đồng.
Trước tuyên bố này, Ba Lan cũng có nhiều động thái thể hiện thái độ của mình khi từ chối tham gia vào Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế diễn ra tại Kiev ngày 29/9, bất chấp việc “là một trong những quốc gia đầu tiên được mời” như lời Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasily Zvarych nói hôm 2/10. Ngoài ra, Ba Lan cũng chỉ cử Thứ trưởng Wojciech Gerwel đến dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao EU tại thủ đô Ukraine ngày 2/10 thay vì cử Ngoại trưởng.
Tất cả những căng thẳng này bắt nguồn từ các rắc rối trong xuất khẩu nông sản của Ukraine, sau khi Nga không gia hạn sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7. Ba Lan cùng một số nước láng giếng Đông Âu như Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia phàn nàn về tình trạng hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine gây ảnh hưởng tới thị trường nội địa của mình, khiến giá ngũ cốc trong nước giảm và gây tổn hại cho nông dân địa phương.
Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 5/2023 đã cho phép các nước Đông Âu đưa ra các hạn chế tạm thời đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương xuất khẩu của Ukraine. Tuy nhiên, việc EC từ chối gia hạn các hạn chế trên sau 15/9 làm gia tăng căng thẳng giữa Hungary, Ba Lan, Slovakia với Ukraine - những quốc gia tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các hạn chế.
Sự bất đồng cấp cao giữa Ba Lan và Ukraine lên tới đỉnh điểm vào 18/9 khi Ukraine đệ đơn khiếu nại 3 quốc gia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan.
Ngày 19/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục có động thái ngầm chỉ trích các đồng minh Đông Âu của Ukraine. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông cho biết Kiev đang “làm việc chăm chỉ để bảo vệ các tuyến đường bộ để xuất khẩu ngũ cốc nhưng thật đáng báo động khi một số quốc gia châu Âu để chính trị vướng vào tình đoàn kết”. Đồng thời, ông tuyên bố các quốc gia trên “có vẻ như đang đóng vai trò của riêng mình nhưng trên thực tế là giúp đỡ cho Moscow”.
Phản ứng lại các bình luận trên, Ba Lan “nhấn mạnh rằng tuyên bố này là sai và đặc biệt không chính đáng trong trường hợp của Ba Lan, vì đất nước chúng tôi đã hỗ trợ Ukraine kể từ những ngày đầu chiến tranh”.