Cửa hàng điện máy liên doanh EraBlue của MWG tại Indonesia. Ảnh: EraBlue |
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã tổ chức buổi họp nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý 2/2024 vào chiều 16/8. Tại cuộc họp, công ty cập nhật sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, xấp xỉ tháng 6/2024 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh ghi nhận doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước do mùa cao điểm máy lạnh và nhu cầu tivi giảm sau khi kết thúc các sự kiện thể thao.
Chuỗi Bách hóa Xanh đạt doanh thu hơn 3.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 28% so với tháng 7/2023. Doanh thu bình quân cửa hàng duy trì ở mức 2,1 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho biết, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên nhưng không tăng mạnh, vì những chỉ số vĩ mô lớn về công ăn việc làm, xuất khẩu... phục hồi nhưng không nhanh.
Năm 2025, ông Tài dự báo tình hình sẽ tốt hơn 2024, ngoại trừ có thêm cuộc xung đột mới bùng nổ trên thế giới.
Với tốc độ tăng trưởng 15-30% mỗi năm, ông Tài cho rằng MWG sẽ cần 2 năm nữa để về lại mức lợi nhuận kỷ lục (xấp xỉ 5.000 tỷ đồng) của năm 2021.
Về chuỗi điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh cho biết, thị trường điện thoại, điện máy 6 tháng đầu năm 2024 có sự sụt giảm nhẹ, kỳ vọng cuối năm sẽ tốt hơn với những hoạt động, chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết.
Theo ông, doanh thu 6 tháng đầu năm của chuỗi điện máy tăng trưởng tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với thị phần điện thoại, MWG chiếm khoảng gần 60%, tuỳ theo từng nhãn hàng, có nhãn hàng mà công ty chiếm thị phần tới 60-70%. Với thị phần điện máy, MWG cũng chiếm khoảng 50%, và cũng có những khác nhau giữa từng ngành hàng.
“Thị trường này có dấu hiệu bão hoà, tăng trưởng chậm trong vài năm tới nhưng với cách làm khác biệt của MWG, chúng tôi vẫn tăng trưởng doanh thu và sẽ không dừng lại thị phần 50-60%,” ông Hiểu Em nói.
MWG tiến hành tái cấu trúc chuỗi điện máy từ giữa năm 2023, bằng việc đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả và nâng cao chất lượng các cửa hàng hiện hữu. Riêng trong quý 2/2024, công ty đã đóng cửa 116 cửa hàng Điện máy Xanh và Thế giới di động. Còn so giữa thời điểm cuối tháng 6/2024 với cuối tháng 6/2023, hai chuỗi này đã đóng 330 cửa hàng.
Theo ông Hiểu Em, việc xử lý các cửa hàng điện máy hoạt động không hiệu quả cơ bản đã hoàn tất tại thời điểm cuối tháng 6. Và mặc dù số cửa hàng giảm nhưng doanh thu của hai chuỗi vẫn tăng trưởng. Điều này là nhờ công ty thực hiện các giải pháp “tăng chất” như tăng các hoạt động bán hàng, khuyến mại, truyền thông nhờ sự hỗ trợ của nhãn hàng; giá cả các mặt hàng đã ổn định hơn; mang tới giải pháp tài chính cho khách hàng; cắt giảm các chi phí lãng phí...
Ông Hiểu Em cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của hai chuỗi điện máy đang quay lại mức cao, nếu giá cả bình ổn như hiện tại thì có thể giữ được mức tỷ suất lợi nhuận này. Tuy nhiên, công ty thiên về tập trung gia tăng doanh thu nhằm nâng cao giá trị tuyệt đối về lợi nhuận.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh. |
EraBlue và mục tiêu có lợi nhuận trước quý 4/2024
Trong khi chuỗi điện máy trong nước thu hẹp quy mô thì MWG gia tăng mở mới chuỗi điện máy liên doanh tại Indonesia, với số lượng cửa hàng đạt con số 59 tại thời điểm cuối quý 2/2024, tăng 21 cửa hàng so với đầu năm 2024.
Theo CEO Hiểu Em, EraBlue đặt mục tiêu có lợi nhuận cấp độ công ty trước quý 4 năm nay, và mọi thứ theo đúng lộ trình. Khó khăn tại thị trường Indonesia là về tập quán, hành vi tiêu dùng, thuê mướn xây dựng... Hơn 1,5 năm qua, công ty đã tập trung giải được những khó khăn đó. “Indonesia là đất nước vạn đảo nhưng chỉ với một đảo Java - đông dân nhất, nếu chúng tôi làm tốt thì khả năng cũng không thua kém gì quy mô chung ở Việt Nam,” ông Hiểu Em nói.
Tại Indonesia, các nhà bán lẻ sở tại mở cửa hàng điện máy trong các chuỗi siêu thị. Ngược lại, MWG mở cửa hàng ngoài đường, với quy mô giống như Điện máy Xanh nhỏ hay Điện máy Xanh siêu nhỏ tại Việt Nam (dưới 300m2). Theo ông Hiểu Em, các cửa hàng EraBlue doanh thu cao hơn tại Việt Nam rất nhiều, với các cửa hàng nhỏ đạt khoảng trên 4 tỷ đồng, siêu nhỏ đạt khoảng trên 2,5 tỷ đồng.
MWG cũng mang phong cách dịch vụ đã làm tốt ở Việt Nam sang Indonesia. Trong khi các nhà bán lẻ sở tại cần tới 7-10 ngày để hoàn tất giao lắp cho khách hàng thì EraBlue chỉ lắp đặt trong ngày. Điều này giúp thu hút khách hàng.
“Mô hình trước đây MWG mở tại Campuchia không quá tệ nhưng do thị trường quá nhỏ nên không thể phát triển. Từ mô hình này, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học để bước sang thị trường Indonesia tự tin hơn. Chúng tôi còn có đối tác chiến lược đồng hành, giúp giải quyết các khó khăn đặc thù ở nước sở tại. Với những kết quả đạt được và kế hoạch sắp tới, chúng tôi hoàn toàn tự tin với việc thành công của EraBlue,” ông Hiểu Em chia sẻ.
Về kế hoạch IPO EraBlue, ông Hiểu Em cho biết, khi MWG và đối tác Indonesia ký kết hợp tác đã đặt ra mục tiêu có 500 cửa hàng vào năm 2027. Đây cũng là thời điểm để đánh giá lại quá trình hợp tác, với nhiều phương thức, trong đó định giá, IPO cũng là một cách.
EraBlue là liên doanh giữa Thế giới Di động và Erafone Artha Retailindo - công ty con của Tập đoàn Erajaya (Indonesia), được thành lập năm 2022. Erafone hiện là nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số lớn tại Indonesia với mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái. |
Sức hấp dẫn của ngành bán lẻ bách hóa và cơ hội cho Masan, MWG |
FPT Retail lấn sang mảng điện máy, 'cuộc đua' với MWG hứa hẹn lại nóng |
MWG: Bức tranh trái ngược giữa chuỗi bách hóa và chuỗi nhà thuốc |