Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby. Ảnh: Anews |
“Thật kinh hoàng khi một quan chức nhà nước ở Nga đề xuất án tử hình đối với hai công dân Mỹ bị bắt ở Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và tìm cách giải quyết vấn đề này", AFP dẫn lời ông Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Alexander Drueke (trái) và Andy Huynh (phải) là hai công dân Mỹ bị lực lượng Nga bắt giữ do tham gia lực lượng chiến đấu tại Ukraine. Ảnh: Getty Images |
Trước đó theo RT, Điện Kremlin ngày 20/6 cáo buộc hai công dân Mỹ gồm Alex Drueke (39 tuổi) và Andy Huynh (27 tuổi) bị bắt ở Ukraine vì gây nguy hiểm cho binh sĩ Nga và sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Cả hai đã chiến đấu cho chính quyền Kiev ở khu vực phía bắc thành phố Kharkov. Họ được báo cáo mất tích vào ngày 9/6.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Công ước Geneva về Tù binh chiến tranh (quy định cách đối xử với binh lính và dân thường trong thời chiến, cấm hành quyết tù nhân chiến tranh) sẽ không áp dụng đối với hai cựu binh Mỹ bị Nga bắt ở Ukraine.
Tuy nhiên, chức này cũng nói thêm rằng, án tử hình sẽ không bị loại trừ nhưng còn "phụ thuộc vào quá trình điều tra". "Chúng tôi không loại trừ bất cứ điều gì, vì đó là quyết định của tòa án. Chúng tôi không bình luận về những quyết định đó và cũng không có quyền can thiệp", ông Peskov cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với RT từ một cơ sở giam giữ ở vùng Donbass, cả hai cho biết họ được cử tới một vị trí cảnh giới để yểm trợ cho lực lượng Ukraine rút lui do bị xe tăng, bộ binh Nga tấn công.
Khi lực lượng Ukraine hoàn tất rút lui, Drueke và Andy "bỏ chạy và trốn vào hố", chờ phía Nga đi qua. Khi cảm thấy đã hết nguy hiểm, hai cựu binh Mỹ bắt đầu đi bộ xuyên qua một khu rừng trong vài giờ và Drueke nói rằng họ đã đi nhầm vào một ngôi làng. Tại đây, Drueke và Andy gặp đội tuần tra của Nga và lập tức đầu hàng. Hai cựu binh Mỹ nói thêm đã được phía Nga đối xử tử tế, được cho thức ăn, chăn ấm và cả thuốc lá.
Nga không có án tử hình, tuy nhiên các nước cộng hòa tự xưng như Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine thì có quy định này. Cả ba bên đều đồng ý rằng những binh sĩ nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho Ukraine là lính đánh thuê và do đó họ không được bảo vệ theo Công ước Geneva.
Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC vào tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh quan điểm: “Tôi hoàn toàn không để ý đến đánh giá của phương Tây. Tôi chỉ quan tâm đến luật pháp quốc tế, theo đó lính đánh thuê không phải là chiến binh", ông Lavrov trả lời