Khung cảnh đổ nát tại Gaza ngày 4/12/2023. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin RT, 13 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đưa ra vào ngày 8/12 tại New York.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Phó Đại sứ UAE tại Liên Hợp Quốc Mohamed Abushahab đặt ra câu hỏi: “Thông điệp mà chúng ta gửi đến người dân Palestine là gì nếu chúng ta không thể đoàn kết và đi tới một lời kêu gọi ngừng bắn tại Gaza? Thông điệp mà chúng ta đang gửi tới những người dân trên khắp thế giới có thể gặp phải tình huống tương tự là gì?”.
Gần như tất cả các quốc gia thành viên đều bỏ phiếu đồng thuận trừ Vương quốc Anh bỏ phiếu trắng và Mỹ bỏ phiếu phản đối. Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, họ phản đối nghị quyết ngừng bắn vì đề xuất “vội vàng” này “xa rời thực tế” và sẽ “chỉ gieo hạt giống cho cuộc chiến tiếp theo”.
RT trích dẫn Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho biết những đề xuất của Washington về việc sửa đổi nghị quyết phần lớn đã bị phớt lờ, trong khi các lo ngại khác chưa được giải quyết, đặc biệt là về việc các văn bản chính thức không sử dụng ngôn từ lên án các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Hamas.
Ông Wood khẳng định phụ nữ, trẻ em, người già – những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã phải chịu đựng các “hành động tàn ác” của lực lượng Hamas. Đồng thời, ông tuyên bố phía Mỹ “rất thất vọng vì đối với các nạn nhân, bên đề xuất nghị quyết đã không đưa ra lời chia buồn cũng như lên án những kẻ đã sát hại họ”.
Cuộc bỏ phiếu hôm 8/12 diễn ra sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres viện dẫn Điều 99, một điều khoản hiếm khi được sử dụng trong hiến chương Liên Hợp Quốc, để cảnh báo Hội đồng Bảo an về một “thảm họa nhân đạo” sắp xảy ra ở Gaza.
Theo ông, trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra kéo dài suốt hai tháng, mạng lưới hỗ trợ nhân đạo ở Gaza phải đối mặt với “nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng”.
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24/11 đã được gia hạn hai lần. Trong 7 ngày đó, tiếng súng đã ngừng vang tại Gaza khi chứng kiến Israel và Hamas lần lượt trao trả 105 con tin bị giam giữ gồm 81 người Israel, 23 người công dân Thái Lan và một công dân Philippines; cũng như phóng thích 240 tù nhân Palestine. Israel tin rằng khoảng 137 con tin vẫn còn ở Gaza.
Lệnh ngừng bắn cũng tạo điều kiện cho việc vận chuyển xe tải hàng viện trợ nhân đạo cho người dân thường bị ảnh hưởng tại khu vực bị tàn phá này. Tuy nhiên, đến ngày 1/12, Israel đã nối lại chiến dịch tấn công Gaza sau khi cáo buộc Hamas vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, khiến việc viện trợ nhân đạo gặp khó khăn.
Sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, phát ngôn viên của Bộ Y tế Ashraf al-Qidra khẳng định hàng trăm người đã thiệt mạng hoặc bị thương. Kể từ khi giao tranh bắt đầu ngày 7/10, Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho biết số người thiệt mạng do các đợt tấn công của Israel đã vượt quá 17.00 người, 46.000 người bị thương với hơn 1,9 triệu người phải di tản. Cơ quan này không phân biệt con số tử vong giữa dân thường và chiến binh, tuy nhiên cho biết 70% số người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.